Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ thèm ăn một món gì đó cụ thể như socola, sữa, phô mai... hoặc kỳ lạ hơn lại thèm ăn đá viên? Đây đều là những hiện tượng rất đỗi bình thường và mỗi món bạn thèm ăn lại ngầm thông báo tình trạng cơ thể đang thiếu một chất dinh dưỡng nào đó.
Nếu thèm ăn 1 trong 7 món sau đây thì cùng tìm hiểu xem lý do đến từ đâu và cơ thể bạn đang thực sự cần gì nhé!
1. Thèm ăn đồ cay
Theo trang Healthline chia sẻ thì những món cay đều có nhiều ớt, mà ớt lại chứa thành phần capsaicin giúp giảm đau ở khớp, cơ và giảm bớt chứng đau nửa đầu. Điều này cũng cho thấy, khi bạn thèm ăn đồ ăn cay cũng là lúc cơ thể đang bị căng thẳng do vận động hoặc làm việc quá sức. Lúc này sẽ cần lắm những món ăn cay để điều hòa lại hệ thần kinh và giúp điều trị tình trạng đau đầu.
2. Thèm ăn socola
Socola có chứa nhiều caffeine nên có thể giúp tăng cường sự tỉnh táo và tái tạo năng lượng cho cơ thể. Do đó, mỗi khi bạn cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ sẽ sinh ra cảm giác thèm nhâm nhi một thanh socola để làm việc hiệu quả hơn.
Ngoài ra, tình trạng thèm socola còn là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt magie.
3. Thèm ăn bơ đậu phộng
Trang WebMD từng cho biết, bơ đậu phộng rất giàu dinh dưỡng nên khi cơ thể bỗng thèm ăn bơ đậu phộng là lúc bạn nên xem lại chế độ ăn hàng ngày của mình. Một chế độ ăn thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng trầm trọng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong bơ đậu phộng có chứa protein, chất chống oxy hóa, chất béo lành mạnh, sắt, magie và canxi. Thế nên, khi bạn thèm ăn bơ đậu phộng thì nên kiểm tra và thiết lập lại một chế độ ăn khỏe mạnh hơn.
4. Thèm nhai đá viên
Cảm giác thèm nhai đá viên có liên quan đến tình trạng thiếu sắt trong cơ thể. Trong khi đó, sắt lại là khoáng chất không thể thiếu trong quá trình hình thành các tế bào hồng cầu. Lý do thực sự của cảm giác thèm nhai đá viên có liên quan đến sự tỉnh táo do cơ thể đang thiếu máu.
Khi cơ thể không được cung cấp đủ máu thì các mô sẽ khó vận chuyển oxy, từ đó làm ảnh hưởng đến thể lực và tinh thần.
5. Thèm ăn đồ ngọt
Bạn có biết rằng, những món đồ ngọt có chứa hàm lượng calo rất cao nên sau khi tiêu thụ có thể gây ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất. Nghiên cứu từ trang WebMD đã phát hiện ra rằng, khoảng thời gian cơ thể thèm ngọt sẽ dao động từ 3 rưỡi - 5 giờ chiều mỗi ngày. Do đó, bạn cần chú ý tới khung giờ này để tránh ăn uống mất kiểm soát, nhất là những người đang ăn kiêng.
Thêm nữa, khi cơ thể thèm đồ ngọt cũng là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu crom hoặc nitơ đang diễn ra.
6. Thèm đồ ăn nhanh
Nếu bạn đột nhiên thèm những món đồ ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt, pizza... thì đó là lúc cơ thể đang báo hiệu tình trạng thiếu hụt protein và một số chất như sắt, kẽm, vitamin B. Lúc này, bạn cần tìm đến một chế độ ăn giàu protein để điều tiết lại não bộ và ngăn không cho tình trạng thèm đồ ăn nhanh xuất hiện nữa. Bởi việc tiêu thụ quá mức có thể dẫn đến chứng béo phì, thừa cân mất kiểm soát.
7. Thèm uống đồ có ga
Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường nên khiến bạn thèm uống nước có ga hơn thay vì nước lọc. Khi bị tiểu đường, lượng đường dư thừa tích tụ trong máu sẽ khiến thận phải làm việc vất vả hơn để hấp thụ và thanh lọc đường. Nhưng đôi lúc, thận không thể giữ được và lượng đường dư lại sẽ chuyển hóa thành nước tiểu. Việc đi tiểu nhiều cũng khiến bạn mất nước nhiều hơn nên sinh ra cảm giác thèm uống nước giải khát.
Nguồn và ảnh: Brightside, WebMD, Healthline
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!