Nắng nóng gay gắt còn kéo dài: Người dân thận trọng với chỉ số tia UV gây hại rất cao

Thời sự - 11/24/2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng; khu vực đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ.

Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ. Dự kiến kéo dài đến đầu tháng 7. Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã ban hành các khuyến cáo phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe trong điều kiện nắng nóng kéo dài.

Theo dự báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng Foehn mạnh nên đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ còn có khả năng kéo dài.

Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng Foehn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Nắng nóng gay gắt còn kéo dài: Người dân thận trọng với chỉ số tia UV gây hại rất cao

Nắng nóng kéo dài với nhiệt độ và chỉ số tia UV gây hại rất cao.

Ngày (29/6) hôm nay, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: Cấp 1.

Theo Bộ Y tế, trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội đang ở mức rất cao, có nơi lên đến trên 400C, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân.

Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa... Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang... chống nóng; Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước oresol..., tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thực hiện ăn chín, uống chín; Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối...

Ngoài ra, nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân trong nắng nóng kéo dài, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện/Viện trực thuộc Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo và triển khai xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm y tế ứng phó với tình hình nắng nóng kéo dài, thiếu nước sạch tại các quận, huyện, xã, các cơ sở y tế trên địa bàn; đặc biệt chú trọng bảo đảm đủ nước sạch, vệ sinh cho sinh hoạt của cơ sở y tế và người dân.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm sức khỏe, phòng, chống say nắng, say nóng, uống đủ nước khi làm việc ngoài trời vào lúc cao điểm nắng nóng trong ngày; bảo đảm ăn, uống hợp vệ sinh. Tập huấn cho người dân biết cách xử lý tại chỗ, ban đầu đối với các trường hợp say nóng, say nắng...

Các địa phương có khu công nghiệp cần thường xuyên tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm y tế, an toàn thực phẩm, nước uống trong khu công nghiệp, đặc biệt ở những khu vực lao động nặng nhọc, độc hại.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường; đặc biệt là dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, quản lý tốt các nguồn bệnh lây nhiễm; xử lý rác thải, các véc tơ truyền bệnh, chú trọng phòng chống dịch tả, lỵ, sốt xuất huyết, tay chân miệng...

Rà soát, bổ sung các phương tiện phòng chống nắng, nóng tại các khu vực có mật độ cao người bệnh đến khám bệnh và điều trị. Tổ chức trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung điều trị, có phương án xử lý trong trường hợp bệnh nhân đến đông; chuẩn bị các tổ đội y tế cơ động, sẵn sàng cơ động hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!