Ngừa lây nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân cao tuổi trong bệnh viện

Thời sự - 11/24/2024

Người cao tuổi vốn đã thuộc nhóm yếu thế với COVID-19, người cao tuổi có bệnh lý nền, thăm khám, nằm viện thường xuyên lại càng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và tiến triển nặng. Những bệnh nhân COVID-19 xuất hiện trong các bệnh viện ở Đà Nẵng hiện nay càng minh chứng điều đó.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công điện số 1212/CĐ-BYT ngày 3/8/2020 về việc tăng cường quyết liệt phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh - đặc biệt cho các đối tượng có nguy cơ cao, các bệnh viện - trong đó có bệnh viện chủ yếu điều trị cho người cao tuổi đã tiếp tục thắt chặt công tác kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 ngay từ cổng bệnh viện với quyết tâm cao không để dịch COVID-19 xâm nhập.

Là nơi khám và chăm sóc bảo vệ sức khỏe cán bộ trung, cao cấp, đa phần là người tuổi cao, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, Bệnh viện Hữu Nghị luôn coi việc bảo vệ phòng tránh lây nhiễm COVID-19 với nhóm bệnh nhân yếu thế, bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền mạn tính là một nhiệm vụ rất quan trọng.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc BV Hữu Nghị cho biết, để thực hiện chung tay phòng chống COVID-19 đặc biệt ngăn ngừa sự lây lan trong bệnh viện, lây lan đến bệnh nhân cao tuổi, Bệnh viện đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và quán triệt để mỗi bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên khác trong bệnh viện là một tuyên truyền viên phòng chống COVID-19, mỗi khi thăm khám, tiếp xúc đều dành thời gian nói chuyện tư vấn cho bệnh nhân về tình hình dịch bệnh, sự nguy hiểm khi người cao tuổi có bệnh mạn tính mắc phải, các biện pháp phòng tránh, khuyên bệnh nhân hạn chế đi thăm, tiếp xúc gặp gỡ người lạ, đeo khẩu trang, rửa tay, vệ sinh mũi họng, giãn cách theo khuyến cáo tùy theo mức độ dịch bệnh.

Ngừa lây nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân cao tuổi trong bệnh việnMỗi người dân khi bước vào khuôn viên bệnh viện sẽ được yêu cầu đo thân nhiệt , đeo khẩu trang và sát khuẩn tay phòng COVID-19.

Đặc biệt chú ý kiểm soát tốt bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, hạn chế thời gian nằm viện, hạn chế phải nhập viện. Kịp thời cứu chữa bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm khác để người bệnh nhanh chóng khỏe mạnh, sẵn sàng đương đầu với các diễn biến của dịch COVID-19.

Kiểm soát tốt người ra vào bệnh viện: Phân luồng bệnh nhân và người nhà ngay từ cổng, người có các biểu hiện ho, sốt, đau họng… sẽ được chỉ dẫn khám sàng lọc tại phòng khám riêng. Hạn chế người nhà bệnh nhân, khách đến thăm vào trong bệnh viện.

'Bệnh viện hạn chế người bệnh phải vào khám khi không thật cần thiết, trong giai đoạn giãn cách xã hội có thể cấp thuốc ngoại trú dài ngay khi được BHYT đồng ý. Chú trọng tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa cách ly, tránh lây nhiễm chéo bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện'- Giám đốc BV Hữu Nghị cho hay.

Ngừa lây nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân cao tuổi trong bệnh việnChung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Người cao tuổi nên làm gì để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19?

Theo BSCKII, Hà Quốc Hùng - Trưởng khoa Khám bệnh Theo yêu cầu và Quốc tế - BV Lão Khoa TW, người cao tuổi cần duy trì chế độ luyện tập đều đặn và dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao thể trạng. Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính và luôn cập nhật thông tin tình hình dịch để chủ động phòng ngừa.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đa dạng, giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và có thể phối hợp các loại đậu đỗ như đậu tương, đỗ xanh, đỗ đen... Ăn đa dạng thực phẩm sẽ cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết, đặc biệt là các loại vitamin A, C, D, E, sắt, kẽm. Các chất này đóng vai trò quan trọng, giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa.

Theo BS. Hùng, bữa ăn hàng ngày nên dùng một số gia vị giúp tăng cường miễn dịch như tỏi, nghệ, sả, nấm, tảo biển, trà xanh, sữa chua... Luôn ăn chín uống sôi. Đảm bảo an toàn bảo quản, chế biến thực phẩm.

Ngừa lây nhiễm COVID-19 ở bệnh nhân cao tuổi trong bệnh việnKiểm soát thân nhiệt người dân đến khám tại BV Lão khoa Trung ương.

Người cao tuổi nên uống 6-9 cốc nước mỗi ngày, tương đương 1,2-1,8 lít. Người nhà nên nhắc nhở người cao tuổi uống nước, bởi họ có thể không cảm thấy khát nước. Uống nước sạch, ấm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát để giữ ẩm cổ họng. Không uống nhiều nước trước khi đi ngủ, không uống nước ngọt thay nước lọc. Không hút thuốc lá hay thuốc lào, không uống rượu bia.

'Hạn chế tối đa ra ngoài khi diễn biến dịch đang phức tạp. Nếu bắt buộc ra ngoài, nên giữ khoảng cách an toàn, tối thiểu 2 m, đeo khẩu trang, rửa tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

Môi trường sống trong nhà nên đảm bảo sạch sẽ. Thường xuyên nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Trong trường hợp người nhà có vấn đề về sức khỏe, nên liên hệ với y tế cơ sở gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn và thăm khám kịp thời'- BS. Hùng tư vấn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!