Người cao tuổi, 'mắc xích yếu' cần được bảo vệ

Các bệnh - 04/18/2024

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa cao điểm của dịch COVID 19 là mối quan tâm của các gia đình vì đây là nhóm đối tượng có sức đề kháng kém hơn, lại có nhiều bệnh lý nền .

Trong những ngày tháng vừa qua, khi dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nguyên nhân chính của sự lây lan là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người mắc bệnh, nên bất cứ ai, ở độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ lây nhiễm virus corona và chỉ một thành viên trong cộng đồng nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng tới toàn quốc gia và tất nhiên, nếu một thành viên trong gia đình nhiễm bệnh, mọi người trong gia đình và cộng đồng sẽ ra sao? Vì vây, tất cả mọi người đều cần có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng để chung tay ngăn chặn sự lây lan và bùng phát cùa dịch bệnh.

Tuy nhiên, từ đầu mùa dịch đến nay, qua các số liệu của các vùng dịch, đặc biệt từ châu Âu, chúng ta thấy có sự khác biệt khá rõ ở các lứa tuổi về tỷ lệ nhiễm, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong. Người cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh và bệnh nặng cao hơn, như vậy người cao tuổi chính là một trong những mắc xích yếu cần được chú trọng và bảo vệ.

Tập vừa sức và tận dụng không gian trong nhà

Một trong những lời khuyên của PGS.TS.BS. Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM, để bảo vệ sức khỏe, dù bệnh người cao tuổi cũng cần tập thể dục, nhưng tập vừa sức và đều đặn, có thể tận dụng mọi khoảng không gian trong nhà để tập nếu được khuyến cáo không ra ngoài trong mùa dịch.

Tập thể dục giúp người cao tuổi khỏe mạnh, vận động linh hoạt, nâng cao chất lượng sống và tận hưởng được cuộc sống. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người trên 65 tuổi nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút/tuần (khoảng 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong mỗi tuần).

Tập thể dục đúng cách sẽ giúp người cao tuổi giảm nguy cơ mắc, hỗ trợ điều trị cho nhiều bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, béo phì, loãng xương, thoái hóa khớp... Việc tập thể dục đúng cách sẽ giúp làm tăng sức chịu đựng của tim và làm giảm các rối loạn của nhịp tim, giúp tăng oxy trong máu, hỗ trợ quá trình chuyển hóa. Sau rất nhiều nghiên cứu, trong nhiều năm, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận khi tham gia một môn thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng tuổi thọ và làm chậm quá trình lão hóa của con người.

Vận động làm chậm sự lão hóa của các tế bào, giúp chúng ta trẻ lâu hơn và sống thọ hơn. Ngoài ra, việc thường xuyên vận động sẽ giúp con người giảm bớt sự trầm cảm, tăng cường trí nhớ, sự tập trung và khả năng tiếp thu kiến thức mới. Tập thể dục còn làm chậm quá trình thoái hóa của não bộ, giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer (chứng mất trí nhớ ở người cao tuổi). Vận động giúp cải thiện lượng máu lưu thông, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng hệ cơ và làn da, khiến duy trì khối cơ và giữ làn da mịn màng, hồng hào hơn. Các bài tập thể dục mang trọng lượng trên 2 chân (weight bearing) có thể giúp tăng cường sức mạnh của xương và giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương. WHO thống kê, toàn thế giới hiện có trên 200 triệu người bị loãng xương, trong đó 70% là phụ nữ và loãng xương ảnh hưởng tới 1/3 phụ nữ trên 50 tuổi. Đây là chứng bệnh ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, chất lượng sống và tuổi thọ của người cao tuổi.

Người cao tuổi, 'mắc xích yếu' cần được bảo vệ

Theo PGS.TS.BS. Lê Anh Thư, việc vận động thường xuyên vừa có ích cho toàn cơ thể vừa tác dụng tốt trực tiếp cho hệ thống xương cơ khớp, chống thoái hóa và chống loãng xương, tận dụng nguồn vitamin D 'trời cho' dưới ánh mặt trời. Quan niệm cần bất động để điều trị gãy xương không những làm cho loãng xương nặng thêm mà còn là nguy cơ của nhiều bệnh lý do phải nằm, ngồi lâu khác như: loét lưng, viêm phổi, viêm đường tiểu… vì vậy quan trọng là không để bị gãy xương. Còn khi người bệnh không may bị gãy xương, các thầy thuốc cần tìm mọi cách để phục hồi càng nhanh càng tốt khả năng vận động cho người bệnh.

Tại sao cho khỏe, cho vui?

… Tuy nhiên, khi vận động không phù hợp với tuổi tác, cơ địa, mức độ cũng sẽ gây hại cho người cao tuổi. Ngay như ở người trẻ tuổi có nhiều vận động viên bị đột quỵ vì tập thể dục đó là do đã quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể. PGS.TS.BS. Lê Anh Thư cho rằng, người cao tuổi cũng cần lắng nghe cơ thể xem ngưỡng nào phù hợp. Việc tập luyện quá sức có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như căng cơ, mệt mỏi, chấn thương... Thực tế đã có không ít trường hợp bị cảm lạnh, trúng gió, đau tim, thậm chí đột quỵ vì hạ thân nhiệt đột ngột do tập thể dục không khoa học.

1. Trước hết, người cao tuổi cần tự chăm sóc sức khỏe cho mình, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động hợp lý và tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan y tế.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế đến những nơi đông người, mang khẩu trang đúng cách khi ra ngoài.

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho bản thân và môi trường xung quanh (nhà ở, sân, vườn...), giữ ấm, súc họng nước muối và rửa tay thường xuyên, giữ nhà cửa sạch sẽ và thông thoáng.

2. Người cao tuổi cần nhận được chăm sóc từ mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt với những người cao tuổi không tự chăm sóc hoặc hạn chế trong việc chăm sóc bản thân để thực hiện các việc nêu trên.

Như vậy, cùng với các biện pháp chung, duy trì chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, người cao tuổi có thể tự phòng bệnh giữa mùa COVID - 19.

Các chuyên gia khuyến cáo, người cao tuổi nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi lựa chọn để được tư vấn về cường độ tập luyện phù hợp với sức khỏe nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Ví dụ nếu người tập bị bệnh tim mạch nên chọn môn đi bộ là phù hợp, nếu không đi bộ cùng nhóm cũng nên đi một mình, tùy theo sức. Nhưng nếu người đó mắc thêm các chứng bệnh về xương khớp, thì việc đi bộ phải theo hướng dẫn, không đi nhiều vì có thể làm bệnh nặng thêm.

Ngoài ra, trong quá trình tập luyện thường xảy ra những chấn thương ngoài ý muốn như trật khớp vai, lật cổ chân, bong gân, té ngã... Vì vậy, người cao tuổi cần khởi động đầy đủ, mang giày thích hợp, đi trên đường phẳng, bảo đảm đủ ánh sáng, tránh trơn trượt. Nếu không khởi động đúng, tập với cường độ cao sẽ gây cảm giác mệt mỏi, đau cơ bắp, thậm chí té ngã gây gãy xương khi tập luyện.

Riêng với những người có bệnh lý về cơ xương khớp như thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa khớp gối mức độ từ vừa đến nặng nhìn chung không nên tập đi bộ, chạy, leo cầu thang, đứng lên ngồi xuống và một số môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền, mà nên thay thế bằng các loại hình vận động ít chịu tải cho cột sống và khớp như đạp xe, bơi…

Với người cao tuổi có suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, hoạt động thể lực có thể đơn thuần chỉ cần những thay đổi tư thế trong sinh hoạt hay những vận động đi lại di chuyển chậm rãi, nhẹ nhàng với gậy hoặc nạng cũng đã có ý nghĩa.

Các bài tập giúp ích cho người cao tuổi là tập các động tác có kháng lực, chịu lực, tập sức cơ như: đi bộ, chạy bộ nhẹ, sử dụng tạ tay nhẹ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, thể dục nhịp điệu, bơi lội, yoga; thậm chí, làm việc nhà, làm vườn cũng là một cách tập luyện vận động cần thiết.

Cũng cần lưu ý là việc tập thể dục ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến cơ thể người cao tuổi vốn đã yếu không kịp thích ứng, dễ tạo điều kiện cho những bệnh nguy hiểm phát sinh.Theo các chuyên gia, tập thể dục quá sớm có thể khiến gặp lạnh đột ngột. Bởi huyết áp của họ thường thay đổi khi nhiệt độ xuống thấp. Huyết áp tăng vào sáng sớm cộng với thời tiết lạnh dễ xảy ra những tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa mặt, liệt nửa người. Hay người có tiền sử huyết áp cao, thành mạch máu thoái hóa dày lên làm ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi gặp nhiệt độ thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não có thể bị co tắc nghẽn gây thiếu ôxy và chất dinh dưỡng lên não dẫn đến đột quỵ.

Tập thể dục một mình cũng tốt nhất là trong mùa dịch nhưng, theo PGS.TS.BS. Anh Thư, khi hết dịch, hãy ủng hộ ông bà, cha mẹ, chúng ta đi tập thể dục cùng nhau, với nhóm bạn, với những người quen để tăng tính giao tiếp xã hội, giúp cải thiện tâm trạng. Tập thể dục hay hoạt động thể chất sẽ cải thiện sự tự tin, lòng tự trọng và giá trị bản thân. Nó kích thích năng lượng tích cực trong cơ thể của chúng ta; tác động tích cực đến sức khỏe thể chất cùng tinh thần tuyệt vời, cũng như tăng cường hệ miễn dịch dễ dàng hơn.

Người cao tuổi nên sinh hoạt điều độ, ăn, ngủ đúng giờ, vận động tập luyện phù hợp sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa và duy trì cân nặng hợp lý, mỗi buổi sáng dậy vận động 20 - 30 phút, buổi trưa sau khi nằm nghỉ hoặc ngủ 10 phút, tối nên đi bộ 20 - 30 phút giúp ngủ ngon hơn. Ði bộ là cách vận động tốt nhất, phù hợp với người cao tuổi và có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch và cải thiện tình trạng đau mỏi xương.

Cũng như những cỗ máy đã chạy nhiều năm, cần phải có đầy đủ dầu nhớt, cùng với việc vận động, tập luyện, người cao tuổi càng cần có nguồn dinh dưỡng đầy đủ, ăn đủ chất, đủ bữa, tránh bị suy dinh dưỡng do ăn kém, ảnh hưởng do bệnh tật... để nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch phòng chống bệnh tật. Trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong các mùa dịch, người cao tuổi cần được bổ sung thêm sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa hay các thực phẩm chức năng, để cung cấp thêm dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!