Ảnh minh họa.
Mới đây, các bác sỹ khoa Cấp cứu, BV Quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một trường hợp bị viêm tụy cấp do tăng Triglyceride nặng. Bệnh nhân là B.T.Đ, sinh năm 1971 nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, liên tục, bụng chướng và buồn nôn.
Các bác sỹ nhận thấy các triệu chứng giống viêm tụy cấp nên đã nhanh chóng thực hiện xét nghiệm, siêu âm để chẩn đoán xác định nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân có chỉ số Triglyceride lên đến 7470mg/dl (đây là ngưỡng rất cao), chưa biến chứng suy tạng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân, khoa Cấp Cứu, BV Đa khoa Thủ Đức cho biết, theo chức năng sinh lý bình thường, tuyến tụy sẽ tiết ra các men tụy để góp phần vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Các men này được tiết ra dưới dạng không hoạt động (tiền men) và chúng chỉ được hoạt hóa trở thành có tác dụng ở tá tràng.
Tình trạng viêm tụy cấp là một tiến trình tự hủy mô do chính men tụy gây ra. Chỉ số Triglyceride nếu tăng vượt mức sẽ khiến các acid béo tự do tăng cao làm tự tổn thương tế bào tụy, làm tăng các chất trung gian của phản ứng viêm và các gốc tự do, hệ quả là viêm tụy. Biểu hiện thường thấy là đau bụng dữ dội, nôn mửa,... Nếu dịch tiêu hóa rò rỉ ra ngoài tuyến tụy có thể ăn mòn các cơ quan nội tạng lân cận, gây suy đa cơ quan, đe dọa đến tính mạng.
Viêm tụy cấp do tăng Triglycerid là bệnh lý về rối loạn chuyển hóa thường xảy ra sau các bữa ăn thịnh soạn, chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đạm đặc biệt là sau những lần uống rượu bia. Bệnh viện quận Thủ Đức thường tiếp nhận các ca cấp cứu về viêm tụy sau các ngày lễ, tết,… Nguyên nhân của bệnh cũng có thể là do lối sống thụ động, không tập thể dục, ăn nhiều dầu mỡ béo, bác sỹ Nguyễn Văn Nhân chia sẻ.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Nhân, trước kia bệnh nhân viêm tụy cấp có chỉ số trên 1.000mg/dl kèm suy chức năng tạng thường phải được chuyển qua khoa Hồi sức tích cực để lọc máu-thay huyết tương. Những năm gần đây, do chuyên môn, kỹ thuật nâng cao, đáp ứng được các ca bệnh phức tạp nên bệnh nhân viêm tụy cấp do tăng triglyceride có thể được điều trị nội khoa tích cực bằng cách tiêm insulin, truyền dịch, kiểm soát đau, dinh dưỡng và được theo dõi liên tục về nước tiểu, diến biến đáp ứng điều trị tiếp theo trong vòng 24 giờ, cũng như kiểm soát khẩu phần dinh dưỡng.
Đối với bệnh nhân Đ, sau khi được điều trị đã dần ổn định, bớt đau, tiếp xúc tốt, huyết động ổn định. Triglycerid từ 7470 mg/dl giảm còn 300mg/dl sau 48 giờ điều trị tại khoa cấp cứu, được chuyển sang các thuốc điều trị uống và nhập khoa Nội Tiết theo dõi điều trị tiếp.
Các bác sỹ khuyến cáo, để giảm lượng Triglyceride mỗi người cần giảm cân hợp lý; hạn chế tiêu thụ lượng đường quá mức; thực hiện chế độ ăn ít tinh bột, ăn nhiều chất xơ, tránh chất béo trans có trong thực phẩm chế biến sẵn và đồ chiên; tập thể dục thường xuyên…
Hà Dũng
Để giảm lượng Triglyceride trong máu, mọi người cần tăng cường ăn cá béo, các loại hạt và bơ, dầu ô liu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!