Nguy hiểm khi bồi bổ sức khỏe ngày Tết cho trẻ với nhân sâm

Thời sự - 04/20/2024

Lo sợ con mệt mỏi, ăn uống kém… trong những ngày Tết, nhiều người bồi bổ sức khỏe cho trẻ bằng cách cho ăn nhân sâm trường. Theo các chuyên gia, nhân sâm dù rất tốt cho sức khỏe nhưng dùng sai cách không chỉ khổ thêm trẻ mà còn khiến gia đình mất vui ngày Tết.

Nguy hiểm khi bồi bổ sức khỏe ngày Tết cho trẻ với nhân sâm

Sức khỏe của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi. Ảnh minh họa

Bồi bổ sức khỏe cho trẻ bằng nhân sâm nguy hiểm thế nào?

Vào ngày Tết, lo sợ con ăn uống thất thường với lịch sinh hoạt bị đảo lộn sẽ ốm yếu, còi nên nhiều gia đình cố gắng tẩm bổ cho con bằng mọi cách. Không ít người cho con dùng triền miên vì tưởng rằng dùng càng nhiều càng tốt vì thuốc bổ mà không lường được điều đó lại không tốt cho con.

Chị Nguyễn Thị Liên (ở Hưng Yên) kể, vào Tết năm ngoái thấy con di chuyển nhiều lại ăn uống kém, chị nghe mọi người mách cho con uống nhân sâm tốt nên mua về hãm nước cho con uống triền miên. Không ngờ ra Tết, con chị bị rối loạn tiêu hóa đến gần một tháng mới khỏi.

Về việc sử dụng nhân sâm, TTND Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, trong Đông y, nhân sâm vốn là một vị thuốc quý được xếp vào loại 'thượng phẩm' rất tốt cho sức khỏe. Cũng vì là thuốc bổ mà dân ta thường có tâm lý đã là thuốc bổ thì dùng thoải mái và càng nhiều càng tốt. Thực tế, điều này không đúng, nhất là với nhân sâm không phải người nào dùng cũng tốt, đặc biệt là dùng sai cách ở trẻ nhỏ.

Sâm có tác dụng kích dục sớm, lạm dụng sâm với trẻ nhỏ không tốt. Lạm dụng thời gian kéo dài có thể hạn chế sự phát triển của trẻ, ảnh hưởng đến cân nặng cũng như chiều cao của trẻ. Trẻ chỉ dùng nhân sâm khi suy nhược cơ thể, cơ thể còi cọc, xanh gầy… với liều thấp (1-2g/ngày dưới dạng thuốc hãm), tốt nhất theo chỉ định của bác sĩ Đông y trong một thời gian ngắn. Với những trẻ bình thường không cần dùng nhân sâm, nhất là lại lạm dụng chúng.

Theo các bác sĩ Đông y, ngay cả với những người lớn, việc dùng nhân sâm ở một số trường hợp như bị tăng huyết áp cũng rất nguy hiểm. Những người tăng huyết áp phải dùng thuốc để hạ huyết áp nhưng sâm lại làm tăng huyết áp khiến tim co bóp mạnh hơn làm thuốc không còn tác dụng, dễ dẫn tới tăng huyết áp gây tai biến.

Để an toàn cho sức khỏe của trẻ, việc tầm bổ nhân sâm cho trẻ mọi người cần phải thận trọng. Ngoài sử dụng hạn chế, các bậc cha mẹ cũng cần chú ý không dùng nhân sâm sau khi ăn no, hoặc vào buổi tối lúc sắp đi ngủ sẽ gây mất ngủ. Với những trường hợp trẻ bị đầy bụng, ăn uống khó tiêu, rối loạn tiêu hóa… càng không nên sử dụng.

Giữ gìn sức khỏe ngày Tết cho trẻ

ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết, điều quan trọng nhất để cho trẻ khỏe mạnh trong những ngày Tết bận rộn và lịch sinh hoạt dễ bị đảo lộn là các bậc phụ huynh cần chú ý đến sức khỏe của trẻ từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Về bữa ăn tốt cho trẻ vẫn cần cân đối dinh dưỡng, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Cha mẹ hãy đảm bảo rằng con bạn được cung cấp đầy đủ đạm, hoa quả, rau xanh. Bữa ăn ngày Tết các gia đình chuẩn bị thường dư đạm nhưng hay mắc phải tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất, chất xơ. Mâm cỗ ngày Tết ngập các món đạm như giò, chả, thịt đông, nem, thịt gà xôi… nhưng thiếu đi rau, củ, quả. Nếu như những ngày Tết ăn uống không tiết chế dễ dẫn đến tăng cân sau đợt nghỉ Tết. Chẳng hạn, bánh chứng có gạo nếp, thịt, đậu xanh… đều là nguyên liệu cung cấp năng lượng nhiều. Một chiếc bánh chưng có có từ 1.500 -1.600 calo, ăn 1/4 bánh có khoảng 400 calo. Trong khi đó, một bữa ăn chính theo tiêu chuẩn chỉ cần 600 - 700 calo là vừa đủ.

Cũng theo BS Nguyễn Văn Tiến, một trong những sai lầm của rất nhiều gia đình là có quan niệm cho trẻ 'thụ lộc' để trẻ ăn những vật phẩm sau lễ cúng với mong muốn trẻ hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh. Ngược lại, sức khỏe của trẻ có thể ảnh hưởng. Bởi lẽ, thức ăn làm cúng lễ thường chuẩn bị khá lâu, sau khi đó lại phải chờ thêm một khoảng thời gian cúng lễ không được che đậy cẩn thận. Khi đó, những thực phẩm này sẽ nguội lạnh, dễ bị vi khuẩn xâm nhập và trẻ nhỏ ăn rất dễ mắc tiêu chảy. Do đó, khi ăn mọi người nên cho trẻ ăn những món vừa nấu chín hoặc cần phải hâm lại đồ cúng lễ trước khi ăn để đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ.

Tết sẽ càng ý nghĩa hơn khi sức khỏe được đảm bảo. Vấn đề an toàn thực phẩm trong khi chế biến, bảo quản là rất quan trọng, không ăn thức ăn khi nghi ngờ ôi thiu. Ngoài ra, trẻ trong những ngày Tết hay gặp phải tình trạng biếng ăn. Trẻ bị bỏ bữa do bị các loại bánh kẹo, nước ngọt, hạt dưa, hạt bí... thu hút. Mọi người cần hạn chế cho trẻ ăn mứt, bánh kẹo, uống nước ngọt và các loại hạt trên, đặc biệt trước bữa ăn.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong những ngày Tết nhiều gia đình lơ là hoặc cho phép trẻ thức khuya hơn bình thường. Cùng với đó, việc con trẻ trong những ngày Tết theo bố mẹ đi chúc Tết ông bà, cô bác, họ hàng… với lịch triền miên dễ cho trẻ thay đổi bữa ăn và giấc ngủ làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Dù bận đến đâu, mọi người cũng lưu ý cho trẻ ngủ đủ giấc. Bạn cần cố gắng tạo cho con bạn thói quen sinh hoạt điều độ, ngay cả trong kỳ nghỉ, tránh để bé bị xáo trộn và hoạt động quá sức. Sức khỏe của trẻ chỉ đảm bảo khi bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi.

Cùng với đó phải chuẩn bị quần áo đề phòng thời tiết thay đổi, tránh để trẻ nhiễm lạnh. Đặc biệt là thời tiết ngày Tết có những thay đổi thất thường lúc nắng gắt lúc lạnh giá cộng thêm mưa phùn. Việc các gia đình cho trẻ uống thêm vitamin tổng hợp cũng tốt nhưng phải có sự chỉ định của bác sĩ nhi khoa. Nếu trường hợp trẻ ốm sốt, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, sinh tố hoa quả, sữa… và khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!