Nguy hiểm khi làm đẹp ở những cơ sở không được cấp phép

Thời sự - 04/20/2024

Thời gian gần đây, nhu cầu làm đẹp của nhiều người tăng cao. Tuy nhiên, mặc dù các bác sĩ đã liên tục cảnh báo về những biến chứng nguy hiểm trong việc làm đẹp từ những cơ sở làm đẹp không được cấp phép, nhưng nhiều người vẫn bất chấp khiến tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ ngày càng tăng.

Nguy hiểm khi làm đẹp ở những cơ sở không được cấp phép

Một ca phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện E. Ảnh: Nguyễn Minh

Mới đây, sự việc một người đàn ông 43 tuổi chết vì nghi hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện (TMV) Việt Hàn (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân, khách hàng khi chọn dịch vụ làm đẹp. Giáp Tết là thời điểm nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của nhiều người nhưng không ít người đã rơi vào cảnh rước họa vào thân do sự thiếu hiểu biết, đặt niềm tin vào những địa chỉ làm đẹp trái phép. Theo quy định, các dịch vụ như: Nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ bụng phải thực hiện gây mê nên chỉ được phép làm tại các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật. Còn TMV chỉ được thực hiện các dịch vụ làm đẹp không xâm lấn, bao gồm: Phun, xăm thẩm mỹ, chăm sóc da, xoa bóp, mát-xa..., không được làm dịch vụ hút mỡ bụng. Tuy nhiên, cơ sở TMV Việt Hàn đã cố tình hoạt động quá phạm vi cho phép và gây hậu quả nghiêm trọng. Đây chỉ là một ví dụ điển hình cho những người có nhu cầu làm đẹp nhưng lại quá chủ quan, đặt sinh mạng của mình vào những cơ sở không bảo đảm. PGS,TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết: Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, hầu như ngày nào các bác sĩ cũng tiếp nhận và xử lý cho những nạn nhân từ những cơ sở spa hay thẩm mỹ, thậm chí cả những trường hợp làm đẹp ở nước ngoài nhưng về nước bị biến chứng rất nặng nề. Nếu so với việc phẫu thuật làm đẹp từ đầu thì việc sửa chữa lỗi do thẩm mỹ phức tạp gấp nhiều lần. Bệnh nhân không chỉ tốn kém tiền bạc, suy giảm sức khỏe mà việc giải quyết hậu quả của những biến chứng do hút mỡ bụng, nâng ngực, nâng mũi, độn cằm, trẻ hóa da... đôi khi cũng không thể giúp bệnh nhân trở lại hình dáng ban đầu.

PGS, TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt-tạo hình-thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, kể từ khi thành lập (tháng 7-2019), ngày nào khoa cũng tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do nâng ngực bằng filler (chất làm đầy), bơm mỡ nhân tạo, phổ biến nhất là thủng lỗ dò ở mũi, ngực do quá trình vô trùng không tốt khi tiêm, một số ít trường hợp bị mù mắt do tiêm sai vị trí. Trường hợp mới nhất là bệnh nhân nữ 32 tuổi nhập viện trong tình trạng ngực có mủ, sưng tấy sau khi được các nhân viên một spa ở Long Biên, Hà Nội tư vấn tiêm filler để nâng ngực. Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 23 tuổi ở Hà Nội, sau khi tiêm filler vào vùng mũi tại một spa trên địa bàn quận Đống Đa thì mũi bệnh nhân bị sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ... do chất làm đầy đã xâm nhập vào mạch máu, phá hủy tế bào nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, những phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, hoặc ít xâm lấn được người tiêu dùng lựa chọn để làm đẹp. Ưu điểm của những phương pháp này chủ yếu là có hiệu quả ngay, an toàn; thời gian thực hiện nhanh chóng; không để lại sẹo; không cần nghỉ dưỡng như các phương pháp thẩm mỹ xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ truyền thống. Tuy nhiên, người dân nên cân nhắc chỉ đồng ý sử dụng những dịch vụ làm đẹp này khi có các bác sĩ chuyên khoa được đào tạo và được cấp phép thực hiện để hạn chế những tai biến có thể xảy ra. Trên thực tế có những nhân viên spa bình thường, không được đào tạo cũng thực hiện tiêm filler cho khách hàng. Hay có người chỉ được đào tạo qua các khóa ngắn hạn, thực hiện được vài ca cũng mở dịch vụ làm đẹp. Họ hoàn toàn không phải bác sĩ, không được đào tạo chính quy, do đó xảy ra tai biến là điều dễ hiểu.

Các bác sĩ rất lo ngại trước tình trạng hiện nay, tại các cơ sở thẩm mỹ, người thực hiện tiêm filler không có bằng cấp chuyên môn, tay nghề nhưng đã lợi dụng tâm lý làm đẹp của chị em vô tư tiêm filler gây nên những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Mặc dù đã có những cảnh báo liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng một bộ phận người dân vẫn lựa chọn cơ sở filler kém uy tín và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Giới chuyên môn khuyến cáo, filler có hiệu năng rất tốt, nhưng để hiểu rõ hơn, trước khi tiêm chất làm đầy vào cơ thể, chị em cần đến cơ sở y tế để được nghe tư vấn. Trước tiên là trao đổi về nhu cầu, tiếp đó là cân nhắc về hiệu quả, hơn hết là vấn đề an toàn. Filler khi sử dụng sai sẽ đem lại những hiệu quả nghiêm trọng. Nó chỉ phát huy tác dụng trong giới hạn nhất định, trong thời gian nhất định. Việc điều trị filler đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ đã được đào tạo, huấn luyện bài bản, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng mặt, đặc biệt là hệ thống mạch máu phức tạp bên dưới. Nơi thực hiện phải là cơ sở y tế hợp pháp, được phép triển khai kỹ thuật tiêm chất làm đầy, sử dụng sản phẩm chất làm đầy rõ thành phần, nguồn gốc.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bên cạnh việc khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ, tránh tin theo quảng cáo và đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện làm đẹp. Cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc quyết liệt, siết chặt quản lý và xử lý nghiêm đối với những cơ sở không có giấy phép, không đăng ký nhưng vẫn tiến hành thực hiện những thủ thuật làm đẹp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!