Nguyên nhân gây ra đại tràng kích thích

Cần biết - 11/24/2024

Theo các bác sĩ, thói quen ăn uống chưa khoa học, áp lực từ cuộc sống và công việc hiện tại, đã có không ít người bệnh mắc phải hội chứng đại tràng kích thích.

Nguyên nhân gây ra đại tràng kích thích

Ảnh minh họa.

Stress gây ra bệnh

Chị Đỗ Thúy Hà – Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở trong suốt 6 tháng nghỉ ở nhà sinh con, chị mắc phải chứng bệnh khiến vô cùng khó chịu. Vào buổi sáng, chị thường xuyên bị đau bụng, bụng nổi những cục cứng rất khó chịu và phải nhanh chóng đi đại tiện. Nếu chậm trễ bụng đau cứng không đi nổi.

Chị Hà đi khám bác sĩ cho biết chị bị hội chứng đại tràng kích thích hay còn gọi là bệnh viêm đại tràng co thắt. Lúc này chị đang nuôi con nhỏ nên không muốn dùng thuốc gì. Bác sĩ tư vấn cách tốt nhất là thay đổi chế độ ăn uống cộng với việc giảm stress.

Nguyên nhân khiến chị Hà bị đại tràng kích thích là do quãng thời gian qua, ở nhà chăm con, bé hay quấy khóc đêm khiến chị mất ngủ, stress.

Chỉ đến khi chị Hà cố gắng thuê người bế con và chị bắt đầu thường xuyên tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, tập cho cơ thể một khung giờ đi tiểu để tạo thói quen đi đại tiện, nhờ đó mà bệnh lý cũng đỡ hơn.

Không riêng chị Hà, chị Nguyễn Thị Xuân – Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết chỉ cần chị ăn một đồ ăn lạ như cái bánh rán, cốc trà đá cũng có thể đau bụng. Cơn đau bụng không rõ nguyên nhân, cùng loại đồ ăn mà cả gia đình không sao nhưng chị Xuân lại mắc.

Chị Xuân đã đi khám nhiều nơi nhưng chưa thể điều trị dứt điểm. Nếu thời gian nào chị thấy mệt mỏi, áp lực công việc là lại bị hội chứng đại tràng kích thích ngay.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên – Khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết hội chứng đại tràng kích thích các bác sĩ thường hay nói đó là hội chứng sung sướng sau đi đại tiện.

Bác sĩ Liên cho biết có lẽ trên thế giới không ai không bị 1 đến vài lần hội chứng đại tràng kích thích với các biểu hiện: Đau bụng âm ỉ hay dữ dội vào buổi sáng sau ngủ dậy; sau ăn đồ mỡ, đồ tanh, đồ lạnh; kèm biểu hiện bụng đầy hơi, sôi bụng; sau khi đi ngoài thì sự khó chịu sẽ giảm đi nhanh chóng hoặc biến mất, … Bệnh không đe dọa đến tính mạng nhưng lại là nỗi khiếp sợ cho người bệnh.

Nguyên nhân gây ra hội chứng này hiện còn nhiều tranh cãi và chưa thật sự hiểu rõ cơ chế. Một số yếu tố nguy cơ sau thường xuất hiện và có thể gây tác động đến sự xuất hiện của bệnh.

Một nguyên nhân khác có thể do tình trạng tăng mẫn cảm ruột do rối loạn về cảm giác của hệ thống thần kinh giữa ruột và não, bất thường về các thụ thể cảm nhận của đại tràng.

Ngoài ra, các yếu tố khách quan bên ngoài như trạng thái lo lắng, rối loạn cảm xúc, stress trong công việc, người khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng,…

Chế độ ăn uống không điều độ, nhiều thực phẩm khó tiêu hay nhiều dầu mỡ, thức ăn kém vệ sinh, sử dụng nhiều rượu bia và chất kích thích cũng là những yếu tố nguy cơ xuất hiện bệnh

Theo bác sĩ Liên để điều trị khỏi được bệnh thì người bệnh cần có sự kiên trì và bác sĩ cần có kiến thức, kinh nghiệm sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng, vật lý trị liệu hợp lý.

Triệu chứng điển hình

Thứ nhất, đau bụng quặn thành cơn vào buổi sáng hoặc sau bữa ăn có yếu tố kích thích “ Sữa chua, đồ sống, đồ lạnh, đồ tanh,…”

Thứ hai, đi đại tiện có cảm giác mót dặn, muốn đi nhiều lần nhưng không có phân ở các lần sau. Cảm giác đau bụng giảm nhanh chóng hoặc biến mất ngay sau lần đi ngoài đầu tiên hoặc đánh được hơi. Tính chất phân có nhầy mỡ, lỏng; chưa tiêu hết đồ ăn, đặc biệt là đố ăn sống, …

Thứ ba: cảm giác đầy bụng, đầy hơi, ăn khó tiêu, đánh hơi nhiều

Thứ tư,táo bón: Nhiều ngày mới đi đại tiện, phân khô và rắn chắc,…Táo bón có thể xen kẽ phân lỏng.

Thứ năm, bệnh nhân có cảm giác lạnh bụng, khó khăn khi đi ngủ kể cả mùa hè nếu không có áo mặc, chăn, khăn tắm che kín vùng bụng, …người bệnh cảm giác đau bụng khi có gió lạnh thổi vào vùng bụng ,…

Khi đến khám nhiều bệnh nhân thường có biểu hiện gầy yếu, sút cân do rối loạn hấp thu, mệt mỏi, khó chịu, …

Hiện nay, hội chứng đại tràng kích thích các bác sĩ thường điều trị đầu tiên đó là bệnh nhân cần có một chế độ ăn tiết chế, ăn hạn chế đồ mỡ, tanh. Hạn chế đồ uống có cồn, có chất kích thích, sinh hơi.

Người bệnh có thể các sản phẩm chức năng, thuốc đông y: Chứa các chấy giàu tanin, lợi khuẩn…. Bác sĩ kê thêm thuốc ức chế sự co bóp của đại tràng, thuốc điều trị táo bón, thuốc giảm đau, an thần, chống trầm cảm.

Những người bị hội chứng này, bác sĩ Liên nhấn mạnh nên tránh tâm lý căng thẳng, tập luyện một lối sống lành mạnh. Tận dụng thời gian để thư giãn sau khi làm việc mệt mỏi cũng là một biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tốt bệnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!