Nhiễm khuẩn huyết là 1 bệnh nhiễm khuẩn toàn thân nặng do sự xâm nhập liên tiếp vào máu của vi khuẩn gây bệnh và độc tố của nó.
Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng vì quá trình phát triển bệnh phụ thuộc không những vào mầm bệnh mà còn phụ thuộc vào đáp ứng của từng cơ thể người bệnh.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết thường do các vi khuẩn Gram (+) như: tụ cầu, phế cầu, liên cầu; các vi khuẩn Gram (-): não mô cầu, trực khuẩn Gram (-) đường ruột (E.coli, Klesbsiella pneumoniae, Proteus, Enterobacter...), trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa; các vi khuẩn kỵ khí (Bacteroid fragilis, Clostridium perfringens...) thường hay đi cùng vi khuẩn Gram (-).
Nhìn chung, nhiễm khuẩn huyết do các vi khuẩn Gram (+) dễ tìm thấy đường vào hơn nhiễm khuẩn huyết do các vi khuẩn Gram (-).
Trong nhiễm khuẩn huyết do các vi khuẩn Gram (+), ổ tiên phát thường ở da, cơ như mụn nhọt, đinh râu, chín mé, hậu bối, vết thương nhiễm khuẩn, viêm cơ; viêm tai, mũi, họng, xoang, răng; ổ mủ sâu (áp xe quanh thận, dưới cơ hoành) hoặc do đặt dụng cụ y tế (sonde, catheter...).
Ảnh minh họa
Nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm vì gây nên tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc (độc tố của vi khuẩn tiết ra) toàn thân nặng với các biểu hiện như: sốt, da xanh tái, nổi ban, rối loạn tâm thần kinh (mệt mỏi, li bì, lơ mơ hoặc vật vã kích thích, nặng nhất là hôn mê), rối loạn ý thức.
Thêm vào đó, bệnh có thể gây ra rất nhiều biểu hiện của hệ tim mạch, hô hấp, tiết niệu... có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.
Nguyên tắc điều trị nhiễm khuẩn huyết bao gồm: diệt mầm bệnh, điều chỉnh các rối loạn do nhiễm khuẩn huyết gây ra và nâng cao sức đề kháng.
Để điều trị nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết, bắt buộc phải dùng kháng sinh theo vi khuẩn gây bệnh hoặc theo kháng sinh đồ, dùng liều cao.
Thời gian dùng kháng sinh không dưới 2 tuần, tùy trường hợp cụ thể có thể phải dùng hàng tháng. Việc điều trị nhiễm khuẩn huyết rất phức tạp và tốn kém, nên vấn đề phòng bệnh là hết sức quan trọng.
BS. Đặng Phương Liên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!