GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho biết, trước đây, phần lớn NCT ở nước ta sống chung với con cháu theo kiểu gia đình truyền thống 'tam tứ đại đồng đường' và được người thân chăm sóc.
Tuy nhiên, trong xu hướng chuyển đổi mạnh từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, con cái sống xa cách và bận rộn hơn. Do đó, việc ở chung giữa các thế hệ cũng có những khó khăn cho cả thế hệ cao tuổi lẫn thế hệ trẻ.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, xu hướng chung ở các nước phát triển là NCT thường ở các trung tâm dưỡng lão ban ngày hoặc cả tuần, cả tháng. Xu hướng này cũng sẽ ngày càng phát triển ở nước ta, cho dù vẫn còn khác biệt với văn hóa truyền thống nhưng lại phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại.
Theo các chuyên gia, chăm sóc NCT tại các trung tâm/viện dưỡng lão là một mô hình tốt với nhiều tiện ích và các điều kiện chăm sóc đa dạng. Ảnh: N.Mai
Đề cập cụ thể hơn đến mô hình viện/trung tâm dưỡng lão, ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số) cho biết, tại Việt Nam, trong những năm gần đây, việc xã hội hóa công tác chăm sóc NCT đã được tăng cường với sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân. Các viện/trung tâm/nhà điều dưỡng/dưỡng lão được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc đang gia tăng của NCT.
Các cơ sở chăm sóc này chủ yếu cung cấp các dịch vụ chăm sóc dài hạn và tiện nghi sinh hoạt cho một nhóm NCT cùng sống trong một trụ sở, hoặc chia sẻ khu vực sinh sống, mặc dù họ sống tại các phòng riêng biệt.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, chăm sóc NCT tại các trung tâm/viện dưỡng lão là một mô hình tốt với nhiều tiện ích và các điều kiện chăm sóc đa dạng. Mô hình có điểm mạnh là hầu hết các trung tâm/viện được hình thành bởi một cá nhân hoặc nhóm cán bộ đã được đào tạo và có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn và chất lượng. Bên cạnh đó, mô hình này quản lý gọn nhẹ, hướng vào mục tiêu hiệu quả để đạt các tiêu chuẩn về chất lượng trong chăm sóc NCT.
Là người có hơn 20 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe NCT, ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức cho biết, hiện tại, ở Trung tâm Bách Niên Thiên Đức có 400 NCT sinh sống với 400 hoàn cảnh khác nhau khi vào Trung tâm, trong đó 70% là các cụ mang bệnh lý trong người.
Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, khi ở Trung tâm, ngoài sự chăm sóc về thể chất và y tế, NCT còn được chăm sóc sức khỏe tinh thần. Chẳng hạn, các cụ được tham dự kỷ niệm các ngày lễ, tết truyền thống như 30/4; 1/5; 2/9… Mỗi tháng, được dự buổi tổ chức sinh nhật chung cho những người cùng tháng.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế thăm NCT tại Trung tâm chăm sóc NCT Bách Niên Thiên Đức. Ảnh: N.Mai
Ngoài ra, Trung tâm có khu Phật đường dành cho những NCT sinh hoạt các vấn đề tâm linh. Hơn nữa, trong một tuần, mỗi ngày, các cụ NCT sẽ được tham gia nhiều trò chơi khác nhau như: Hát karaoke, tô tượng, tô tranh, ném bóng lĩnh thưởng, chơi cờ, cá ngựa....
Đặc biệt, tại đây có khu nuôi động vật quen thuộc trong gia đình như mèo, chó cảnh, chim bồ câu, gà, cá cảnh... Đây cũng là những bài tập phục hồi chức năng bằng tự nhiên cho NCT. Mặt khác, Trung tâm còn bố trí các bộ chơi game, các trò chơi để tránh sự lão hóa và giảm sa sút trí tuệ cho NCT.
Theo Giám đốc Trung tâm chăm sóc NCT Bách Niên Thiên Đức, những NCT tại đây cảm thấy rất hạnh phúc khi cuối đời nhận được sự quan tâm, chăm sóc phụng dưỡng như người thân trong gia đình. Không ít người đã tìm lại được niềm vui trong cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Câu chuyện về một cụ ông bị ung thư tinh hoàn là một ví dụ. Theo đó, cụ ông này có hai cô con gái. Ông bị ung thư tinh hoàn phải cắt toàn bộ bộ phận sinh dục. Sức khỏe ông giảm sút và bệnh viện cho về chăm sóc tại nhà vì ông chỉ sống được khoảng 6-9 tháng. Tuy nhiên, do con gái đều đã đi lấy chồng, cụ ông này không thể đến nhà chồng con gái để ở, do đó, các con đã quyết định đưa ông vào Trung tâm Bách Niên Thiên Đức.
'Khi vào Trung tâm được 1 tháng thì ông quen một cụ bà là bạn học cũ. Từ đó, hai ông bà chăm sóc nhau như những đôi bạn tri kỷ. Hằng ngày, bà pha cà phê, trà cùng uống với ông. Khi nhân viên đến tắm, bà chuẩn bị quần áo cho ông. Hai ông bà cùng ăn một bàn. Nhờ tinh thần tốt lên, ông sống thêm được gần 3 năm mới qua đời. Điều này cho thấy, yếu tố cộng đồng, đặc biệt là yếu tố tinh thần, tâm sinh lý của NCT rất cần được quan tâm, duy trì, tôn trọng và phát triển', ông Nguyễn Tuấn Ngọc nói.
Theo GS Nguyễn Đình Cử, hiện nay, chi phí để được vào các trung tâm dưỡng lão ở nước ta còn rất cao so với thu nhập của số đông NCT và gia đình họ. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ các trung tâm dưỡng lão để giảm chi phí cho NCT.
Như ông cha ta nói 'Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh'. Do đó, cần tuyên truyền để mọi người ủng hộ sự đa dạng hóa nơi ở cho NCT, để phù hợp với gia cảnh của NCT; không kỳ thị bất kỳ một hình thức tổ chức nơi ở cho NCT nào.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!