Những nghiên cứu về loại virus siêu độc này vẫn còn đang được tiếp diễn hàng giờ, nhưng hiện nay người ta đã phát hiện ra 2 sự bất thường của nó. Trong đó có lý do lạ là làm sao các bé bị viêm đường hô hấp cấp như người lớn nhưng có thể vượt qua dễ dàng, coi như không với căn bệnh có thể chết người này.
Tên siêu vi đang gây khủng hoảng toàn thế giới là 'coronavirus'. Coronavirus có nguồn gốc từ tiếng Latin corona, có nghĩa là vương miện, dùng để chỉ sự xuất hiện hình dạng đặc trưng của virus dưới kính hiển vi điện tử. Loài virus này có các gai glycoprotein bao quanh bề mặt của nó trông như một rìa lớn, tạo thành hình ảnh như vương miện hoàng gia, chính các gai này giúp cho virus bám vào các receptor của tế bào vật chủ và xâm nhập vào tế bào. Gọi theo tên tiếng Việt đó là siêu vi 'vương miện'.
Corona là một chủng virus lớn có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau, từ chứng cảm cúm thông thường (gọi tên virus là Flu-CoV) tới hội chứng suy hô hấp cấp tính SARS (gọi là SARS-CoV) và dịch hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông MERS (gọi là MERS-CoV) trước đây, và nay biến đổi chủng mới là siêu vi COVID-19 gây viêm đường hô hấp cấp. Hiện nay, siêu vi COVID-19 còn được gọi là SARS-CoV-2 vì biến chủng từ SARS-CoV.
Ta cần biết, siêu vi chỉ xâm nhiễm tế bào ký chủ của nó thông qua gắn vào thụ thể đặc hiệu. COVID-19 chỉ có ái lực đặc biệt với thụ thể ACE2 có ở tế bào mô phổi. Thế nên không lấy làm lạ COVID-19 thích gây bệnh ở phổi. Việc đầu tiên sau khi gắn vào tế bào đích ở mô phổi là chúng nhân bản tạo ra COVID-19 mới càng nhiều càng tốt. Để nhân bản, chúng phải dùng đến 'bộ máy' RNA là cấu trúc di truyền của chúng theo các giai đoạn: gắn và xâm nhập tế bào bằng cách trút bỏ lớp vỏ và hòa nhập bộ gen RNA vào bên trong tế bào bị nhiễm; dựa vào nguyên liệu của tế bào ký chủ, virus tổng hợp nguyên liệu để tạo RNA mới; bên trong tế bào ký chủ, virus tìm cách nhân lên thành nhiều tế bào mới; cuối cùng các virus mới trưởng thành được phóng thích khỏi tế bào bị nhiễm để xâm nhập vào các tế bào khác của cơ thể.
COVID-19 hay siêu vi 'vương miện' có 2 bất thường chính:
Bất thường trong quá trình nhân bản
Bất thường thứ nhất là siêu vi 'vương miện' nhân bản rất chậm so với siêu vi khác, như siêu vi gây cúm mùa. Như so với siêu vi gây cúm mùa Influenza type B tốc độ nhân bản của nó chỉ bằng 1/1.000. Tức là cùng một thời gian, siêu vi Influenza type B nhân bản ra 1.000 siêu vi mới, siêu vi 'vương miện' chỉ nhân bản ra 1 con mới thôi. Lý do là siêu vi COVID-19 thường có lỗi trong cách thức tổng hợp nguyên liệu tạo ra RNA mới bên trong tế bào mà nó xâm nhiễm phải sửa chữa. Vì bị 'khuyết tật' trong 'error-correcting processes' vừa kể, cho nên siêu vi COVID-19 nhân bản rất chậm. Đó cũng là lý do người bị lây nhiễm sẽ không có triệu chứng nào (nóng sốt, ho, khó thở) cho tới khi phát bệnh sau 15 - 24 ngày. Và trong thời gian đó, người đã bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng sẽ phát tán siêu vi mầm bệnh cho người khác mà không hay biết.
Vì bất thường trong lập trình nhân bản dễ bị lỗi nên siêu vi COVID-19 lây nhiễm rộng trong cộng đồng mà người bị nhiễm nhiều khi khó biết mình đã bị lây nhiễm. Nguy hiểm là thế đó.
Siêu vi COVID-19 'không thích' trẻ con?
Với dịch COVID-19, người ta ghi nhận số lượng trẻ em nhiễm COVID-19 rất ít và bệnh ở trẻ dường như 'lành tính' hơn so với người lớn.
Tính đến ngày 1/2/2020, chỉ có 16 trường hợp trẻ bị nhiễm COVID-19: 7 trường hợp phát hiện ở Trung Quốc, 2 tại Malaysia, 2 tại Đức, 2 tại Singapore, 1 tại Pháp, 1 tại Úc, 1 tại Việt Nam và chưa phát hiện ca nào tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng nhẹ khi nhiễm COVID-19: sốt, ho, đau họng, chảy mũi; còn nặng: viêm phổi, hội chứng hô hấp cấp tính nặng, suy thận, thậm chí tử vong. Với trẻ bị bệnh đều được ghi nhận bệnh diễn tiến nhẹ, có trẻ đã mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng, thậm chí có trẻ không biểu hiện gì hết.
Không lẽ siêu vi 'vương miện' có lòng 'nhân đạo' đối với trẻ con? Có 2 nguyên nhân có thể lý giải tình trạng vừa kể.
Một, là sự đáp ứng miễn dịch của trẻ con đối với siêu vi COVID-19 không quá mãnh liệt như người lớn. Ta cần biết, sau khi xâm nhiễm vào tế bào ký chủ và nhân bản ra nhiều siêu vi mới, siêu vi COVID-19 làm thương tổn tế bào ký chủ ở mô phổi hoặc hệ miễn dịch của cơ thể tìm chống lại, gây hại virus và có thể hại luôn tế bào ký chủ mà nó xâm nhiễm. Đối với người lớn, hệ miễn dịch của mô phổi hoạt động mạnh mẽ nên ngoài việc tiêu trừ siêu vi xâm nhiễm, lại làm hại luôn tế bào lành của chính mình, làm viêm phổi nặng. Ở trẻ con, hệ miễn dịch hoạt động nhẹ nhàng, êm ái hơn.
Nguyên nhân thứ 2 là có việc nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng chống dịch COVID-19, mọi người luôn quan tâm đến trẻ ở mức cao nhất. Trẻ ít bị nhiễm COVID-19 là vì vậy.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!