Những căn bệnh thường đi kèm với gút

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Người bệnh gút thường mắc các bệnh khác như: Hội chứng chuyển hóa, bệnh thận mạn tính, tăng huyết áp, bệnh tim mạch làm gia tăng nguy cơ tử vong.

Có nhiều nguyên nhân, gây đau đớn và làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng sống của người bị bệnh gút. Điều đáng lưu ý là gút ít khi đi một mình. Giống như hiệu ứng 'dậu đổ, bìm leo', đi kèm theo bệnh gút, người bệnh có thể mắc thêm các bệnh lý khác.

Ai dễ mắc bệnh gút?

Thống kê cho thấy các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gút cao đó là nam giới, nữ giới thuộc độ tuổi 40-60, phụ nữ sau mãn kinh. Người béo phì có nguy cơ bị gút cao gấp 5 lần người có thể trọng bình thường. Các đệ tử 'lưu linh' là đối tượng dễ bị gút nhòm ngó nhất - có tới 75% bệnh nhân gút mạn tính lạm dụng bia rượu, chế độ ăn nhiều thịt. Bên cạnh đó còn có yếu tố di truyền: 1/3 người bệnh gut có người thân bị gút. Những người mắc bệnh thận (suy thận mạn, thận đa nang), bệnh máu (bệnh bạch cầu thể tủy mạn tính, thiếu máu huyết tán), nhiễm độc chì.

Những căn bệnh thường đi kèm với gút

Bàn tay người bệnh gút

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh gút được chia 3 nhóm. Gút nguyên phát: nguyên nhân chưa rõ ràng, có tính chất gia đình, thường khởi phát sau một bữa ăn uống. Gút thứ phát: có nguyên nhân do suy thận mạn, do thuốc (corticoid, tiêu tế bào quá mức. Gút do các bất thường về enzym: như di truyền, thiếu hụt enzym HGPRT- một loại emzym tham gia trong quá trình chuyển hóa axit uric (ở nam giới), tăng hoạt tính men PRPP (hiếm hơn).

Đặc biệt người ta đã phát hiện ra hơn 20 loại thuốc có thể gây nên gút thứ phát. Các thuốc gây gút thứ phát là thuốc lợi tiểu, aspirin, thuốc chống lao (ethambutol, pyrazinamid), thuốc điều trị ung thư, corticoid (prednisolon, dexamethason, K-cort...). Tại Việt Nam, gút do dùng corticoid rất phổ biến, có tới hơn 60% bệnh nhân gút có lạm dụng corticoid.

Tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh

Trên thế giới hiện nay có nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh gút khác nhau. Chúng tôi xin giới thiệu tiêu chuẩn Mexico 2010. Với các triệu chứng dưới đây, bạn có thể đã bị bệnh gút: Trước đó bạn đã từng hoặc hiện tại có hơn một lần bị viêm khớp; Bạn bị viêm đau và sưng khớp tối đa trong vòng một ngày; Viêm một khớp; Sưng đau khớp bàn ngón chân cái; Khớp bị sưng nóng đỏ; Viêm khớp cổ chân một bên; Hạt tôphi (nghi ngờ hoặc đã xác định); Tăng  axit uric máu (hơn 2 SD số trung bình của dân số bình thường). Chỉ cần có từ 4 trong 8 điểm nói trên là đã có thể chẩn đoán xác định bệnh gút.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

X-quang khớp vẫn thường được sử dụng để chẩn đoán gút và mức độ tổn thương khớp trong gút mạn. X-quang có hình ảnh hốc xương 62%, hẹp khe khớp 72%, gai xương tân tạo 44%.

Hiện nay siêu âm quy ước hay siêu âm Doppler có vai trò quan trọng trong chẩn đoán sớm bệnh gút, có thể phát hiện các dấu hiệu đường đôi hay hiện tượng viêm màng hoạt dịch tại vị trí tiếp xúc với hạt tophi vỡ trong khớp. Nội soi khớp gối thường được sử dụng để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khớp khác, có thể phát hiện được các đám lắng đọng tinh thể urat trên sụn khớp hay trên màng hoạt dịch khớp. Nội soi khớp còn có tác dụng điều trị khi các đám tinh thể urat ở trong bị loại bỏ và rửa sạch. Trong một số nghiên cứu mới đây người ta đã áp dụng phương pháp CT Scan năng lượng kép trong chẩn đoán gút.

Gút thường kết hợp với nhiều bệnh khác nhau

Người bệnh gút thường mắc các bệnh khác như: Hội chứng chuyển hóa, bệnh thận mạn tính, tăng huyết áp, bệnh tim mạch làm gia tăng nguy cơ tử vong. Gút có thể là nguyên nhân các bệnh lý kèm theo này, kiểm soát gút cần tính đến điều trị các bệnh kèm theo.

Người ta đã xác định gút là yếu tố nguy cơ tim mạch. Tăng axit uric máu là yếu tố nguy cơ tim mạch độc lập. Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng lên ở bệnh nhân gút.

Tỷ lệ rối loạn lipid máu ở bệnh nhân gút dao động từ 50 - 85 %. Có mối liên quan giữa nồng độ axit uric máu và tăng triglicerid máu. Ngoài ra, ở nhóm bệnh nhân tăng lipid máu thường thấy gia tăng số đợt gút cấp. Nhóm bệnh nhân gút có tăng lipid máu thì có nồng độ axit uric máu cao hơn và có số khớp viêm cao hơn so với nhóm không tăng lipid máu.

Nguyên tắc điều trị

Cần phải chẩn đoán bệnh sớm và chính xác; điều trị nguyên nhân gút thứ phát; điều trị các triệu chứng bệnh; chống viêm khớp khi có cơn gút cấp; phòng cơn gút cấp tái phát; điều trị các tổn thương ở giai đoạn mạn tính. Đặc biệt cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc, xử lý kịp thời các tai biến xảy ra. Điều trị gút không thể bỏ qua chế độ ăn uống, lối sống, điều trị và quản lý các bệnh đi kèm. Quan trọng là bệnh nhân gút phải tuân thủ điều trị và dự phòng đợt gút cấp.

Gút là một bệnh khớp vi tinh thể, gây ra bởi lắng đọng các tinh thể urat ở các mô của cơ thể. Khi bệnh tiến triển thành gút mạn tính sẽ xuất hiện các hạt tophi. Hạt tophi chính là do lắng đọng tinh thể urat ở tổ chức dưới da, đặc biệt ở chi dưới, gây biến dạng, ảnh hưởng đến các chức năng cảm giác, vận động và thẩm mỹ, làm tăng nguy cơ loét hạt tophi, nhiễm khuẩn và thậm chí tử vong. Sự có mặt của hạt tophi còn gợi ý các biểu hiện khác của gút mạn tính như viêm khớp mạn tính, bệnh lý thận.

BS. Trần Thu Giang – ĐH Y Hà Nội - PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc- Khoa Cơ xương khớp, BV Bạch Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!