Người dùng thuốc trị huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đủ hàng ngày, điều trị lâu dài. Mục tiêu điều trị là đạt “huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”. Các thuốc huyết áp có rất nhiều loại, điển hình như:
Thuốc lợi tiểu như amiloride, chlorothiazide, furosemide, hydrochlorothiazide… Các thuốc này giúp thận đào thải bớt lượng nước dư thừa và muối (natri) ra khỏi cơ thể. Từ đó giúp giảm lưu lượng máu đi qua lòng mạch và làm hạ huyết áp.
Thuốc chẹn beta như propranolol, atenolol, metoprolol… Nhóm thuốc này giúp làm giảm nhịp tim và giảm sức co bóp của tim. Do đó tim sẽ bơm ra một lượng máu ít hơn vào động mạch sau mỗi nhịp đập và làm giảm huyết áp.
Người bệnh mạn tính cần dùng thuốc đều đặn hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ
Thuốc ức chế men chuyển (ƯCMC) như captopril, perindopril, enalapril… có tác dụng ức chế sản xuất angiotensin II - một loại hormone có tác dụng làm co mạch máu và dẫn đến tăng huyết áp. ƯCMC là nhóm thuốc được sử dụng nhiều ở nước ta, do kiểm soát huyết áp tốt và ngăn ngừa suy tim do tăng huyết áp.
Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ARB) như losartan, valsartan, eprosartan… có tác dụng ức chế tác động co mạch của angiotensin II, nên làm giảm huyết áp. Nhóm này được cho là an toàn vì ít tác dụng phụ, nhưng giá thành khá cao, nên nhiều người bệnh không có điều kiện sử dụng.
Thuốc chẹn kênh canxi như felodipin, nifedipine, amlodipine… sẽ giúp chặn dòng ion canxi (sự vận chuyển dòng ion canxi đi vào và đi ra khỏi tế bào là cần thiết cho tất cả các cơn co thắt của cơ bắp) không cho chúng đi vào tế bào cơ trơn của các mạch máu, từ đó gây giãn mạch, làm giảm áp lực máu và giúp hạ huyết áp…
Mỗi một loại thuốc đều có những ưu nhược điểm riêng biệt. Bác sĩ là người sẽ quyết định loại thuốc nào tốt và phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của người bệnh. Vì vậy:
Người bệnh không được tự ý dùng thuốc. Cần dùng thuốc đều đặn, liên tục như cơm ăn nước uống hàng ngày. Nên uống thuốc huyết áp vào cùng thời gian mỗi ngày. Không được tự ý tăng hoặc giảm liều dùng hoặc để dành thuốc lúc huyết áp lên mới uống thuốc… Những việc làm này sẽ khiến cho huyết áp không được kiểm soát dễ gây tai biến như tai biến mạch máu não, đột quỵ…
Theo dõi diễn tiến của bệnh, nặng lên hay giảm đi phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị.
Theo dõi tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra để kịp thời thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp như có thể thay thế thuốc khác, hoặc xử trí các bất lợi do thuốc gây ra.
Người dùng thuốc kiểm soát đường máu
Đái tháo đường là bệnh mạn tính, phức tạp. Nếu không kiểm soát được đường huyết bằng chế độ ăn và luyện tập, người bệnh sẽ phải dùng thuốc. Thuốc uống trị đái tháo đường có nhiều loại, tùy từng trường hợp bác sĩ kê đơn dùng loại nào cho phù hợp với tình trạng người bệnh. Một số thuốc thường dùng hiện nay như: Metformin, glyburid, glipizid, acarbose, pioglitazone, dapagliflozin…
Khi đã phải dùng thuốc thì người bệnh phải dùng thuốc suốt đời để kiểm soát đường huyết và phòng ngừa biến chứng. Việc dùng thuốc cần đúng giờ, đúng liều. Nếu sử dụng thuốc lộn xộn trong ngày có thể gây tăng, hạ đường huyết, là cơ hội xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Sử dụng thuốc không nhất quán giữa các mốc thời gian có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Thông thường thuốc hạ đường huyết tác dụng nhanh được khuyên dùng trước bữa ăn 30 phút; thuốc tác dụng chậm nên sử dụng trước khi ăn 60 phút. Tuy nhiên có những thuốc uống vào thời điểm khác như ngay sau bữa ăn… Người bệnh cần tuân thủ. Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn đối với loại thuốc đó.
Tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc đột ngột. Việc ngưng thuốc đột ngột là điều tối kỵ với bệnh nhân đái tháo đường, vì có thể dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe. Nếu muốn ngưng phải xin ý kiến của bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ xem xét để giảm liều thuốc từ từ và tối giản liều tới mức cần thiết. Thông thường người bệnh đái tháo đường sẽ phải chung sống với thuốc suốt cả cuộc đời, bởi việc kiểm soát đường huyết bắt buộc phải dựa trên sự kết hợp chặt chẽ của cả ba yếu tố: Dùng thuốc, ăn uống và luyện tập. Nếu mức đường huyết hiện tại của người bệnh đã và đang ổn định, cần nhớ, để có được kết quả đó không chỉ có một chế độ ăn uống, tập luyện khoa học mà còn nhờ có sự đáp ứng tốt với thuốc điều trị của bác sĩ và người bệnh cần phải tiếp tục duy trì.
Bên cạnh việc phải sử dụng thuốc trị bệnh đái tháo đường, đôi khi người bệnh lại phải dùng thêm các thuốc khác như thuốc trị tăng huyết áp, trị tăng mỡ máu… (do đặc điểm đa bệnh lý ở người có tuổi), có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc có hại đến sức khỏe. Vì vậy, khi dùng thuốc người bệnh cần chú ý tới những bất lợi này. Nếu có triệu chứng bất thường cần báo cho bác sĩ biết hoặc đi khám.
Người dùng thuốc giãn phế quản và chống viêm
Người bệnh hen phế quản và COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) có đặc điểm chung là viêm mạn tính niêm mạc đường thở, gây phù nề, tăng tiết dịch nhầy ở đường thở, co thắt cơ trơn phế quản. Các hiện tượng này gây thắt hẹp đường thở khiến cho người bệnh ho, khó thở… Vì thế, các thuốc dùng trong điều trị hai bệnh này bao gồm thuốc giãn phế quản và corticoid.
Người bệnh hen, COPD cần dùng đúng cách bình xịt định liều.
Thuốc giãn phế quản: Có tác dụng làm giãn cơ trơn bao bọc xung quanh các phế quản, làm giãn phế quản, luồng không khí lưu thông dễ dàng hơn, nên người bệnh hết cảm giác khó thở. Đây là nhóm thuốc có vai trò chính trong điều trị bệnh hen phế quản và COPD. Các loại thuốc giãn phế quản gồm:
Nhóm cường beta 2 adrenergic tác dụng nhanh và ngắn gồm: Salbutamol, terbutaline… (được dùng chủ yếu để cắt cơn, giảm nhanh triệu chứng khó thở) và tác dụng chậm, kéo dài: bambuterol, salmeterol, formoterol, indacaterol.
Nhóm thuốc kháng cholinergic tác dụng nhanh, ngắn như ipratropium; tác dụng chậm, kéo dài như tiotropium.
Người bệnh cần tuân thủ điều trị tránh bỏ dở dùng thuốc, sẽ làm bệnh có điều kiện phát tác và gây nguy hiểm.
Nhóm xanthine: Chủ yếu dạng thuốc uống (theophyllin) và dạng tiêm truyền tĩnh mạch (diaphyllin). Thuốc ít dùng đơn thuần mà thường dùng phối hợp với các thuốc nhóm cường beta 2 adrenergic hoặc nhóm kháng cholinergic trong điều trị.
Nhóm coticoid: Là thuốc chống viêm, sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính của người bệnh, do đó làm giảm thắt hẹp đường thở. Hiện nay các thuốc chủ yếu được sử dụng tại chỗ dưới dạng phun hít như beclomethasone, budesolide, fluticasone... Dạng dùng toàn thân như prednisolon, methylprednisolon… chỉ dùng cho những bệnh nhân có đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đợt cấp của hen phế quản. Khi bệnh đã được kiểm soát, sẽ chuyển sang dùng thuốc dạng phun hít.
Người bệnh cần tuân thủ điều trị, tránh bỏ dở dùng thuốc (sẽ làm cho bệnh có điều kiện phát tác và gây nguy hiểm) và tái khám đúng hẹn, thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
Do dùng thuốc kéo dài, người bệnh rất dễ gặp các bất lợi của thuốc gây ra. Vì vậy, việc phòng và khắc phục các tác dụng không mong muốn này là rất quan trọng, để duy trì việc dùng thuốc được đều đặn. Để dùng thuốc được hiệu quả và an toàn người bệnh cần:
Đối với dạng phun hít, cần dùng thuốc đúng kỹ thuật. Thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách dùng bình phun hít thuốc, người bệnh cần quan sát để thực hành cho đúng thao tác hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Việc dùng không đúng kỹ thuật cũng sẽ khiến bệnh không được kiểm soát tốt mặc dù người bệnh rất tuân thủ điều trị.
Xúc miệng sau hít thuốc để loại bỏ các thuốc thừa đọng lại ở miệng, họng sau dùng thuốc, tránh mắc nấm miệng, họng bằng cách: Ngậm nước sạch, sau đó ngửa cổ, nhẹ nhàng xúc miệng, họng, rồi nhổ bỏ phần nước này.
Nên tiêm phòng vaccin phòng cúm hàng năm, giúp tránh nhiễm cúm, sẽ làm giảm đáng kể tần xuất các đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Ngoài ra, ở người bệnh hen cần chú ý đến môi trường sống quanh mình. Tránh tiếp xúc với dị nguyên như môi trường khói bụi, phấn hoa, thuộc da, hóa chất, mùi than tổ ong...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!