Những triệu chứng không thể bỏ qua, dễ biến chứng nặng vì sốt xuất huyết ở trẻ

Thời sự - 04/19/2024

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và đầu tháng 9.

Không được dự khai giảng vì sốt xuất huyết

Khoảng 1 tuần trước, em N.T.K (ở Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội) được gia đình đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao 40 độ, chán ăn, nôn và người mệt mỏi. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, K bị sốt xuất huyết.

Chị Thế Thị Thu Trang – mẹ bệnh nhi này cho biết, con chị đã điều trị được 8 ngày, đến nay bé vẫn mệt nhiều, dưới da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết và không ăn được. Theo chị Trang, do bé mắc bệnh đúng vào dịp khai giảng đầu năm học mới nên cháu rất buồn vì không được tham dự cùng các bạn.

Những triệu chứng không thể bỏ qua, dễ biến chứng nặng vì sốt xuất huyết ở trẻ

Các bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Chị Trang cho biết thêm, sau khi con trai lớn nhập viện được 2 ngày thì con gái thứ 2 của gia đình chị cũng mắc sốt xuất huyết nhưng các triệu chứng nhẹ hơn anh trai.

Một trường hợp mắc sốt xuất huyết khác cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương là trường hợp bệnh nhi 5 tuổi (ở Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội). Bệnh nhi cũng khởi phát sốt cách đây 1 tuần, cho uống hạ sốt không đỡ nên được gia đình đưa đi viện. Đến hôm nay (8/9), sau 6 ngày điều trị tại bệnh viện, bệnh nhi đã cắt sốt được 2 ngày, bắt đầu phát ban tại các vùng trên cơ thể.

TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm ghi nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9.

Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho 6-7 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Đa phần các bệnh nhi đến khám và điều trị không đến mức nặng và chưa ghi nhận ca nào tử vong.

Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới, các ca mắc sốt xuất huyết có thể tăng lên do đây đang là thời điểm mùa mưa – điều kiện rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển.

Các dấu hiệu quan trọng mẹ không nên bỏ qua

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, sốt xuất huyết do virus gây ra nên bệnh khởi phát cũng giống như các bệnh nhân nhiễm trùng khác. Một số triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ như: Mệt mỏi, sốt nhẹ, chán ăn, sau đó, trẻ sẽ xuất hiện đau người, đau hốc mắt và xuất hiện phát ban. Một số trẻ xuất hiện rối loạn ý thức.

Những triệu chứng không thể bỏ qua, dễ biến chứng nặng vì sốt xuất huyết ở trẻ

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) thông tin về sốt xuất huyết ở trẻ em

Thông thường ở trẻ mắc sốt xuất huyết, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là trẻ có biểu hiện nặng nhất. Do đó, TS Nguyễn Văn Lâm lưu ý, bố mẹ cần theo dõi các biểu hiện của con. Nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt kèm theo tiểu ít, mệt mỏi, kém ăn, nặng hơn là xuất huyết nhiều nơi trên da, niêm mạc, thậm chí có thể co giật, lơ mơ… cần đưa ngay trẻ đến viện để chăm sóc điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng đáng tiếc đối với trẻ.

Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết thêm, với những trẻ sốt xuất huyết, khi điều trị, điều quan trọng là hạ sốt và bù dịch đúng cách, kèm theo đó là cho trẻ ăn chế độ ăn lỏng, dễ tiêu.

Hiện vẫn còn nhiều bố mẹ chưa biết cách hạ sốt cho con hoặc hạ sốt không đúng cách. Chẳng hạn như trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết, tuyệt đối không cho hạ sốt bằng thuốc Ibrufen vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện cấp cứu.

"Trẻ sốt xuất huyết chỉ cần hạ sốt bằng thuốc paracetamol thông thường. Mỗi năm chúng tôi ghi nhận rải rác vài ca trẻ bị xuất huyết tiêu hóa do nguyên nhân cha mẹ dùng hạ sốt Ibrufen", TS Nguyễn Văn Lâm cho biết.

Ngoài hạ sốt, theo TS Lâm, việc bù dịch cũng cần lưu ý vì có những giai đoạn (5-6 ngày mắc bệnh) nếu vẫn bù dịch như những ngày đầu mới mắc bệnh trẻ dễ bị thừa dịch gây ra tràn dịch đa màng, có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị khó thở, sốc... rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời.

Để phòng ngừa nguy cơ mắc sốt xuất huyết, nhất là với trẻ nhỏ, các chuyên gia khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy ở môi trường sống xung quanh và phòng chống muỗi đốt cho trẻ.

Theo đó, bố mẹ cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Bên cạnh đó, bố mẹ cần mắc màn khi đi ngủ, kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi để tránh nguy cơ trẻ bị muỗi đốt và truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tại Hà Nội, một tuần qua (từ ngày 31/8 đến 6/9) ghi nhận thêm 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc sốt xuất huyết tuần qua được phân bố rải rác tại 106 xã, phường, thị trấn và tăng 76 ca so với tuần trước đó, tập trung tại một số quận, huyện vùng ven: Thường Tín có 38 ca, Nam Từ Liêm 35 ca, Thanh Oai 13 ca, Đan Phượng 12 ca.

Như vậy, lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 1.802 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có hai trường hợp tử vong và số ca mắc giảm so với cùng kỳ của năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 ghi nhận 3.626 trường hợp).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!