Câu hỏi 1: Chào bác sĩ! Tôi thường xuyên bị đi tiểu trong nước tiểu có máu tươi sau khi quan hệ tình dục. Bác sĩ cho tôi biết tôi bị bệnh gì? Tôi cảm ơn bác sĩ nhiều?
Trả lời:
Chào bạn,
Tiểu ra máu là hiện tượng trong nước tiểu có nhiều hồng cầu. Đây là bệnh lý thường gặp ở mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ. Một số trường hợp tiểu ra máu không nguy hiểm, thậm chí tự khỏi mà không cần can thiệp.
Nhưng trong phần lớn các ca, tiểu máu là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm như:
- Nhiễm khuẩn tiết niệu, do vi khuẩn xâm nhập từ niệu đạo vào bàng quang và phát triển trong bàng quang.
- Nhiễm khuẩn thận.
- Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận.
- Hội chứng Alport làm ảnh hưởng đến độ lọc cầu thận.
- Chấn thương thận.
- Phì đại tuyến tiền liệt.
- Nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt.
- Các bệnh viêm cầu thận; ung thư bàng quang, thận hoặc tuyến tiền liệt trong giai đoạn cuối.
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm do dùng một số loại thuốc như penicillin, aspirin, cyclophosphamide.
- Tập thể dục quá sức có thể gây ra chấn thương bàng quang, mất nước hoặc do sự phân hủy của tế bào hồng cầu.
- Nam trên 50 tuổi có thể bị tiểu máu do phì đại tiền liệt tuyến; nhiều phụ nữ bị nhiễm khuẩn tiết niệu sau khi quan hệ tình dục có thể gây tiểu máu.
Ảnh minh họa
Hiện tượng tiểu ra máu của bạn không thường trực mà chỉ xuất hiện sau khi quan hệ tình dục nhưng vì bạn không nói rõ bạn là nam hay nữ nên chúng tôi khó tư vấn chính xác. Hiện tượng tiểu ra máu sau quan hệ tình dục ở nam giới thường hiếm khi xảy ra hơn so với nữ giới. Nguyên nhân có thể do dị dạng mạch máu ở niêm mạc niệu đạo hay polyp, hoặc u bàng quang gây xuất huyết khi dương vật cương cứng.
Nếu bạn là nữ, bạn cần đi khám phụ khoa để kiểm tra có viêm nhiễm ở đường sinh dục - tiết niệu, polyp âm đạo hoặc cổ tử cung hay không. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chảy máu sau quan hệ tình dục ở nữ. Ngoài ra, quan hệ tình dục trong tư thế không thoải mái cũng có thể gây đau, chảy máu.
Vì bạn thường xuyên bị ra máu sau khi quan hệ tình dục nên bạn không thể chủ quan mà cần đi khám bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị kịp thời, tránh để kéo dài sẽ có hại cho sức khỏe.
Chúc bạn chóng khỏe!
Câu hỏi 2: Thưa bác sĩ! Tôi bị đi tiểu ra màu đục như nước vo gạo, vậy tôi bị bệnh gì?
Trả lời:
Chào bạn,
Hiện tượng nước tiểu màu đục như nước vo gạo của bạn có thể là biểu hiện của một số bệnh sau:
- Tiểu dưỡng chấp:Dưỡng chấp là chất dịch trong hệ bạch mạch, thành phần của dưỡng chấp là các chất dinh dưỡng được hấp thu từ thức ăn qua ruột, chủ yếu là lipid như triglycerid, cholesterol và protein. Bình thường, trong nước tiểu không có dưỡng chấp, chỉ đái ra dưỡng chấp khi có một lỗ rò từ đường bạch mạch vào đường tiết niệu, thường là rò vào vùng đài - bể thận, ít khi vào niệu quản hay bàng quang.
Biểu hiện tiểu dưỡng chấp là nước tiểu có màu trắng đục như sữa hoặc như nước vo gạo, có những váng mỡ, để lắng lại có những mảng keo, mảng trắng như sữa đông hoặc mỡ đông. Hiện tượng này xảy ra từng đợt không liên tục. Đái đục như sữa xuất hiện tăng sau khi ăn thịt, cá, trứng.
Ảnh minh họa
-Tiểu phosphate: Tiểu phosphate là hiện tượng do có nhiều phosphate bài tiết trong nước tiểu. Triệu chứng là một người thỉnh thoảng đi tiểu thấy nước tiểu đục như nước vo gạo (thường gặp vào buổi sáng), để lắng lại thì thấy có cặn như cặn vôi. Những lúc khác người đó đi tiểu trong.
Ngoài ra người bệnh không có triệu chứng gì khác, đi tiểu bình thường không gắt buốt. Thử nước tiểu thì thấy có nhiều phosphate trong nước tiểu. Nhưng kết quả thử nước tiểu có thể bình thường (không có phosphate) nếu lúc lấy nước tiểu để kiểm tra người đó đi tiểu trong. Hiện tượng tiểu phosphate không phải là bệnh lý. Nhưng nếu tình trạng kéo dài và người đó uống ít nước thì dễ bị sỏi thận do tinh thể phosphate lắng đọng.
- Tiểu mủ: Gặp trong trường hợp viêm niệu đạo do lậu, Chlamydia hoặc gặp trong trường hợp đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn như: thận bị ứ mủ do sỏi, lao thận. Triệu chứng là tiểu rắt buốt, sốt, đau hông lưng.
Để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa và điều trị.
Chúc bạn khỏe mạnh!
SongKhoe.vn cung cấp tính năng gửi câu hỏi cho các Chuyên gia, Bác sĩ uy tín miễn phí. Bấm vào đây để gửi câu hỏi. Tham khảo hàng ngàn câu hỏi đã được Chuyên gia, Bác sĩ trả lời tại đây.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!