Ðối phó chứng phù thận ở trẻ

Nuôi dạy con - 04/19/2024

Hội chứng phù thận ở trẻ thường phát hiện muộn do người chăm sóc, cha mẹ lầm tưởng trẻ mập mạp lên và do đó dễ dẫn tới bệnh tiến triển nặng và có những biến chứng nguy hiểm.

Phù là hiện tượng nước thoát ra khỏi lòng mạch máu và bị giữ ở mô tế bào. Phù được phát hiện khi thấy trẻ sưng nề mi mắt, chân, bụng... Phù có thể do các nguyên nhân thoáng qua như dùng thuốc nhưng cũng có thể là dấu hiệu nặng của các bệnh như suy tim, suy thận, xơ gan, suy dinh dưỡng...

Trong các nguyên nhân nặng trên, phù do thận ở trẻ em thường ít khi được phát hiện sớm vì đầu tiên trẻ thường phù nhẹ quanh mắt và mặt làm người nhà lầm tưởng trẻ mập lên chứ không phải bị bệnh; thứ hai, phù thận hay xuất hiện ở các trẻ trước đó hoàn toàn khỏe mạnh chứ không phải như các trẻ bị bệnh tim hay bị bệnh gan nên khi người nhà nhìn thấy trẻ sưng mặt, họ hoàn toàn không nghĩ rằng trẻ đang mắc bệnh.

Các dấu hiệu điển hình của phù thận

Phù xuất hiện đầu tiên ở mi mắt, trẻ ngủ dậy sẽ có dấu hiệu nặng mắt vào buổi sáng sớm, sau đó có thể giảm dần trong ngày. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm, phù sẽ tăng lên với các biểu hiện của phù mặt, sau đó lan hai chân, bụng to dần lên, sưng bìu ở trẻ trai. Nặng hơn, trẻ có thể khó thở do phù phổi. Nếu bố mẹ chú ý sẽ thấy trẻ tăng cân rất nhanh trong giai đoạn này. Trẻ thông thường được đưa đến bệnh viện trong giai đoạn phù từ trung bình đến nặng, lúc này, việc điều trị sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Ngoài phù, trẻ có thể tiểu ít hơn, nước tiểu sậm màu hơn, thậm chí là tiểu ra máu. Đến lúc này bố mẹ mới hốt hoảng đưa con đi khám.

Một triệu chứng khá nặng của hội chứng phù thận mà nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây biến chứng nguy hiểm tính mạng là tăng huyết áp. Trẻ sẽ cảm giác mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, thậm chí co giật, hôn mê hay khó thở, sùi bọt hồng do phù phổi cấp.

Vì vậy, để hạn chế các biến chứng nặng của bệnh, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm ngay khi trẻ có biểu hiện phù quanh mắt hoặc thấy trẻ tăng cân nhanh một cách bất thường.

Phù thận do những nguyên nhân gì?

Viêm cầu thận: Ở nước ta, phù do viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu hay gặp nhất. Bệnh lý này thường kéo dài 1-2 tuần rồi lui bệnh. Điều trị chủ yếu là ăn nhạt, nghỉ ngơi, uống thuốc lợi tiểu. Cần tái khám định kỳ để theo dõi các biến chứng mạn tính của bệnh.

Bệnh thận IgA: Một tỷ lệ khá cao viêm cầu thận do bệnh thận IgA cũng gặp ở trẻ em. Bệnh này diễn biến lặng lẽ với đái máu từng đợt, đa số lành tính nhưng cũng có tỷ lệ gây suy thận về sau.

Hội chứng thận hư: Bệnh thường biểu hiện với triệu chứng duy nhất là phù. Chẩn đoán khá dễ nhờ các xét nghiệm máu và nước tiểu. Tuy nhiên, điều trị lại thường kéo dài; tỷ lệ tái phát bệnh cao dù lúc đầu đã đáp ứng tốt với thuốc.

Nếu trong hội chứng thận hư có phù kèm theo tăng huyết áp hoặc đái máu thì nguyên nhân thường phức tạp hơn như bệnh thận Lupus, bệnh thận Henoch Schonlein..., diễn tiến bệnh xảy ra nhanh hơn và điều trị phức tạp hơn nhiều.

Suy thận: Bệnh nhân thường phù đi kèm với việc tiểu không có nước tiểu. Nguyên nhân có thể rất đa dạng như mất nước nặng, ngộ độc thuốc hay hóa chất, diễn tiến nặng của viêm cầu thận, sỏi thận... Đây là một tình trạng cấp cứu cần xử lý kịp thời để cứu tính mạng bệnh nhân.

Dự phòng hội chứng phù thận

Phù thận do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc dự phòng cũng rất khác nhau. Có nguyên nhân có thể dự phòng được, có nguyên nhân thì không thể.

Một nguyên nhân phù thận hay gặp ở nước ta là viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu, điều trị dự phòng bằng cách điều trị đúng và đủ liệu trình với tất cả các trường hợp viêm họng, nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ.

Với trẻ đang mắc hội chứng thận hư, chú ý giữ gìn sức khỏe cho trẻ, hạn chế các đợt bệnh nhiễm trùng sẽ hạn chế được các đợt tái phát của bệnh...

Khi nghi ngờ trẻ phù thận, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị sớm cho trẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!