Phụ nữ có thai cần làm gì trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19?

Thời sự - 04/26/2024

Phụ nữ có thai cũng có thể lây bệnh như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh, do vậy hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là cách phòng bệnh tốt nhất. Thai phụ chỉ ra khỏi nhà nếu thật cần thiết và cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh…

Phụ nữ có thai cần làm gì trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19?

Dự phòng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết. ẢNH: TL

Phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh

Dịch bệnh COVID-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, giới khoa học vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về đặc tính của virus SARS-CoV-2 cũng như chưa tìm ra thuốc đặc trị hoặc vaccine dự phòng bệnh.

Cũng như các đối tượng khác, đa số phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (thể bệnh viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi nhẹ), một số rất ít mắc bệnh thể nặng. Ở Trung Quốc, trong số trên 80.000 ca mắc COVID-19 mới ghi nhận một phụ nữ mang thai 30 tuần mắc COVID-19 mức độ nặng phải thở máy đã được mổ lấy thai cấp cứu và hồi phục sức khỏe tốt.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, hay mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh. Người ta cũng không tìm thấy SARS-CoV-2 qua xét nghiệm rau thai, máu cuống rốn, nước ối hay sữa mẹ.

Bên cạnh đó, chưa thấy có sự liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng sẩy thai, tuy nhiên cũng có báo cáo cho thấy viêm phổi do virus nói chung ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh... Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra, thai phụ cần phải biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và thai nhi.

Đảm bảo dinh dưỡng và rèn luyện thể lực hợp lý

Ngoài việc bổ sung đầy đủ, cân đối các dưỡng chất, cần thiết cho phụ nữ có thai, chị em cần đặc biệt lưu ý bổ sung vitamin D, một loại vitamin cần thiết cho chuyển hoá canxi, phát triển hệ xương của thai nhi. Bình thường cơ thể có thể tự tổng hợp vitamin dưới ánh nắng mặt trời, tuy nhiên trong điều kiện hạn chế ra ngoài trời trong mùa dịch, việc bổ sung lượng vitamin D bị thiếu hụt là rất cần thiết.

Phụ nữ có thai cũng có thể lây bệnh như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh, do vậy hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là cách phòng bệnh tốt nhất. Thai phụ chỉ ra khỏi nhà nếu thật cần thiết và cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh, hạn chế chạm tay vào các vật có nhiều người tiếp xúc như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, dụng cụ tập thể dục, thể thao nơi công cộng, ghế ngồi, thiết bị vệ sinh công cộng, cây ATM, vé gửi xe… Thai phụ có thể bị lây bệnh nếu tiếp xúc với những đồ vật bị nhiễm virus.

Phụ nữ có thai rất cần phải luyện tập, vận động thể lực một cách hợp lý. Do phải hạn chế ra ngoài trong mùa dịch, chị em nên tìm hiểu một số bài tập thể dục tại nhà dành cho phụ nữ có thai, nhưng phải lưu ý các động tác thể dục cần điều chỉnh cho phù hợp với tuổi thai.

Vệ sinh sạch sẽ nhà ở và nơi làm việc

Các chuyên gia khuyến cáo, chỉ số lưu thông không khí ACH cần đạt tối thiểu ở mức 12, tức là khối lượng không khí lưu thông trong 1 giờ phải đạt tối thiểu 12 lần dung tích phòng. Do đó, cần mở các cửa sổ để lưu thông không khí trong nhà. Mở cửa sổ vừa giúp phòng có nhiều ánh sáng đem lại tác dụng sát khuẩn, vừa tăng cường tổng hợp vitamin D cho cơ thể. Nếu không mở rộng cửa số vì lý do thời tiết, phụ nữ có thai có thể sử dụng các loại quạt thông gió nhằm tăng cường lưu thông không khí trong nhà.

Cùng với đó, đặc trưng của SARS-COV-2 là lây nhiễm qua giọt bắn của người nhiễm bệnh, qua hắt hơi, ho, nói. Giọt bắn có chứa virus tồn tại trên các bề mặt như bàn ghế, đồ dùng với thời gian khá lâu, đặc biệt là trên các đồ vật bằng kim loại như tay nắm cửa, vòi nước... Do vậy, việc thường xuyên vệ sinh nơi ở bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng hoá chất diệt khuẩn là điều quan trọng.

Ngoài các hoá chất thông thường có chứa xà phòng như nước lau nhà, nước rửa kính, chị em cũng có thể dùng thêm các dung dịch sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn. Chỉ nên dùng hoá chất có chứa clo (Vim, Gift, nước Javen, Cloramin B, Caxi Hipoclorit…) để tẩy rửa bồn cầu (bệ xí) và phải xả thật kỹ bằng nước sạch, không nên sử dụng các hoá chất này để làm sạch những đồ vật khác vì có thể gây ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.

Khám thai định kỳ

Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đến nay, COVID-19 lây truyền qua đường hô hấp, không lây qua đường máu, không truyền từ mẹ sang con nên các thai phụ hoàn toàn yên tâm giữ thai nếu không may mắc bệnh. Bên cạnh đó, không nên hoảng sợ mà cần tuân thủ điều trị COVID-19 theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định.

Như trên đã nêu, hạn chế ra ngoài là phương án tối ưu để phòng dịch, tuy nhiên việc đi khám thai định kỳ rất cần thiết. Trong bối cảnh dịch bệnh, chỉ nên khám thai theo lịch hẹn của thấy thuốc, trừ khi có những đấu hiệu bất thường xảy ra. Lưu ý chỉ siêu âm khi thật cần thiết, vì khi siêu âm có thể lây nhiễm virus nếu đầu dò siêu âm không được khử khuẩn.

Khi đến khám, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay ngay sau khi tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa, thiết bị vệ sinh, tay vịn cầu thang… tránh đến cơ sở y tế vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh.

Trong thời gian ở nhà, nếu thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, ra nước ở cửa mình, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ… cần báo ngay cho bác sỹ hoặc đến cơ sở y tế có chức năng chăm sóc thai sản. Khi đi, cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đã nêu.

Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, thai phụ cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, lưu ý rằng có nhiều bệnh cũng gây các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm cũng có thể gây sốt, ho...

Cuối cùng, nếu cần tìm hiểu thông tin, kiến thức về chăm sóc phụ nữ mang thai, cần liên hệ với cán bộ y tế, hoặc tìm hiểu từ những nguồn thông tin chính thống; không nên tìm hiểu và làm theo những thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học lan truyền trên mạng xã hội.

Bố trí khu vực riêng để đón tiếp và phân luồng các phụ nữ mang thai khi đến khám

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Quyết định số 1271/QĐ-BYT về việc Ban hành hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Theo đó, để dự phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có cung cấp dịch vụ sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh chuẩn bị nhân lực, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế để thực hiện nguyên tắc phòng ngừa và các biện pháp kiểm soát lây truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Đảm bảo đủ các phương tiện phục vụ phòng ngừa, đặc biệt trang phục phòng hộ cá nhân, dung dịch vệ sinh tay và khẩu trang y tế; phân luồng, tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 ngay tại nơi đón tiếp. Bố trí khu vực riêng để tiếp đón, sàng lọc và phân luồng các phụ nữ mang thai đến khám. Khi có dấu hiệu nghi ngờ chuyển vào khu khám cách ly.

Thực hiện khám thai thường quy, những trường hợp nghi nhiễm COVID-19, phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng để lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán. Bố trí phòng sinh riêng cho phụ nữ mang thai nghi nhiễm và nhiễm.

Cơ sở khám, chữa bệnh cần bố trí nhân lực để chăm sóc riêng phụ nữ mang thai nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Trong quá trình chăm sóc người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19, các nhân viên y tế này không tham gia chăm sóc những người bệnh khác. N.MAI

BS Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!