Liều vaccine hiệu quả, ít tốn kém nhất
Rửa tay và rửa tay với xà phòng từ lâu được xem là một trong những biện pháp phòng bệnh tay chân miệng, bệnh về đường tiêu hóa, bệnh cúm rất hiệu quả.
Khâu rửa tay cũng vô cùng quan trọng không kém, thế nhưng thói quen rửa tay hình như chưa thực hiện một cách toàn diện, tích cực trong toàn dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn và người đang nuôi hoặc chăm sóc trẻ ốm….
Rửa tay với xà phòng được ví như liều vaccine hiệu quả, tiết kiệm phòng ngừa hữu hiệu các bệnh tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa,…
Rửa tay bằng xà phòng là cách phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, ước tính rằng mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,1 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy và 1,2 triệu trẻ em mất đi sự sống do các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thủy đậu.
Như vậy, có khoảng gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân.
Rửa tay với xà phòng làm giảm tới gần một nửa các trường hợp mắc tiêu chảy, 1/4 các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này.
Rửa tay thế nào cho đúng?
Theo các chuyên gia của Bộ Y tế, việc giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng có tác dụng rất to lớn trong việc phòng bệnh. Rửa tay bằng xà phòng không chỉ giúp cho trẻ em mà còn cho cả người lớn phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rửa tay với xà phòng giúp phòng chống các bệnh chân, tay, miệng, cúm, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ, tiêu chảy và nhiều bệnh truyền nhiễm khác; có thể giảm đến 10% tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi nếu người mẹ thường xuyên rửa tay với xà phòng…
Khi đi học, các bé được các cô giáo tập thói quen rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thế nhưng về nhà, không ít bé phải nhắc bố mẹ 'sao bố mẹ lại chưa rửa tay vậy?', hoặc 'sao ba mẹ không rửa với xà phòng?'. Nhiều bà mẹ cho rằng: chỉ cần rửa tay với nước, tay nhìn thấy trắng - không mùi nghĩa là đã sạch.
Chuyên gia Cục Quản lý môi trường y tế khẳng định, chỉ rửa tay với nước không đủ sạch. Xà phòng và các sản phẩm thay thế làm tan đi các chất béo và bụi bẩn mang phần lớn vi khuẩn. Tất cả xà phòng đều có tác dụng như nhau để làm giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây nên.
Việc rửa tay phải thực hiện đầy đủ 6 bước
Mọi người cần thực hiện việc rửa tay vào 5 thời điểm quan trọng sau đây:
- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh.
- Sau khi sinh hoạt hoặc chơi đùa ngoài trời.
- Sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh như thay quần áo, tã lót, chăm sóc vệ sinh …
- Sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay.
- Trước khi vào bữa ăn, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn cho gia đình.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!