Sơ cứu say nắng, say nóng

Kỹ năng sống - 04/16/2024

Mùa hè đang diễn ra và biến động thời tiết rất phức tạp, đặc biệt là nắng nóng kéo dài, ở miền bắc và miền Trung liên tục nhiệt độ lên tới 39 độ C.

Khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao đột biến nếu đi ra nắng hoặc làm việc ngoài trời rất dễ xảy ra say nắng, say nóng.

Say nắng là gì?

Say nắng là tình trạng mất nước cấp tính kèm theo rối loạn nặng sự điều hòa thân nhiệt của hệ thần kinh trung ương do tác động của ánh nắng mặt trời gay gắt. Say nắng thường xuất hiện vào khoảng từ 10 giờ sáng đến khoảng 16 giờ chiều khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao trên 380C, lúc này ánh nắng mặt trời có nhiều tia tử ngoại sẽ tác động vào đầu, cổ, vai, gáy với thời gian lâu sẽ làm cho trung tâm điều hòa thân nhiệt bị chấn động, tấn công mạnh.

Nếu phải làm việc ngoài trời khi nắng gắt như những người nông dân làm ruộng, ngư dân làm nghề chài lưới hoặc bộ đội tập luyện trên thao trường hoặc vận động viên chuyên nghiệp (bóng đá, bóng chuyền, chạy, nhảy...), hoặc trẻ em chơi ngoài trời nắng sẽ có nguy cơ cao say nắng. Nếu tắm biển, sông, suối, ao, hồ khi nắng nóng với nhiệt độ tăng cao say nắng rất dễ xảy ra.

Sơ cứu say nắng, say nóng

Các bước sơ cứu người bị say nóng, say nắng.

Biểu hiện của say nắng

Khi bị tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào các vùng nguy hiểm (gáy, vai, cổ) sẽ xuất hiện sốt cao đột ngột, đôi khi lên tới 40 - 410C. Người bệnh sẽ bị ngất xỉu, huyết áp tụt do mất nước và chất điện giải trầm trọng. Lúc này sẽ xuất hiện thấy da ửng đỏ, mắt trũng, nôn nhiều, chân tay co rút, thở nhanh, nông. Người bệnh thấy nhức đầu dữ dội và có thể xuất hiện co giật, mất ý thức, ảo giác, nói khó và nếu nặng có thể dẫn đến hôn mê nếu không xử trí kịp thời.

Với chứng say nóng là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch bởi do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời (tia cực tím) và sức nóng là hai tác nhân vật lý có thể gây tác động lên trung tâm điều hoà thân nhiệt của cơ thể.

Bởi vậy, khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, đặc biệt là phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao, nóng bức (hầm lò, trong phòng kín...), hoặc hoạt động thể lực quá sức trong các môn thể thao (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ...) sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó khi bị say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Sơ cứu say nắng, say nóng

Chườm mát vào trán, gáy nách bẹn.

Sơ cứu say nắng, say nóng

Mọi người có thể thực hiện sơ cứu nạn nhân không cần cầu kỳ. Vì vậy, cần khẩn trương làm mát cơ thể để đưa nhiệt độ của cơ thể nạn nhân trở về bình thường, nhằm ngăn ngừa hoặc giảm tác hại cho bộ não và các cơ quan quan trọng. Để làm điều này, trước tiên cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến vị trí thoáng mát, cởi bớt quần áo, nới lỏng quần, tháo tất (nếu có). Nên chườm nước mát vào trán, gáy, nách, bẹn.

Nếu bệnh nhẹ, nạn nhân đã tỉnh táo dần có thể cho uống các loại nước mát như nước ép dưa hấu, nước cam, chanh. Nếu có ORS (oresol), cho nạn nhân uống càng tốt (cho một gói ORS cam loại 5,63g/gói vào 200ml, quấy cho tan hết, cho nạn nhân uống, nếu trẻ em cho uống mỗi lần 1/4 cốc nước).

Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng cao, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác.Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Đề phòng say nắng, say nóng - cách nào?

Mùa hè nắng nóng cần hạn chế ra khỏi nhà từ 10-16 giờ. Nếu không thể không làm việc thì không nên làm việc với thời gian quá lâu và luôn phải trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, đi lại, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón rộng vành, kính,... (nên dùng áo cotton dài tay giúp hấp thụ mồ hôi của cơ thể trong khi vẫn giữ cơ thể được mát mẻ và nên mặc quần áo sáng màu để cơ thể hấp thụ nhiệt ít nhất).

Cần mang theo đủ nước uống trước khi ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng để bù nước kịp thời. Nước uống, tốt nhất nên có pha thêm ít muối ăn. Với trẻ em và người cao tuổi trong những ngày nắng nóng cần hạn chế đến mức tối đa ra nắng. Không nên tắm sông, suối, ao, hồ, biển lúc nắng gắt.

Môi trường làm việc cần làm thoáng mát, có thông gió, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò, việc làm này rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!