Suy dinh dưỡng ở trẻ em: Thách thức và giải pháp

Nuôi dạy con - 09/29/2024

Tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi được đánh giá là đã giảm nhanh và bền vững trong những năm qua.

Kiến thức thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng lên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ngày càng được cải thiện.

Theo kết quả điều tra 30 cụm trên toàn quốc năm 2016  cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%, suy dinh dưỡng thấp còi là 24,3%. Con số này cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn ở ngưỡng có ý nghĩa đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi (cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi) và có sự khác biệt giữa các vùng miền, một số tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở mức rất cao (trên 35%).

Tình trạng thừa cân/béo phì ở trẻ em hiện đang gia tăng nhanh, đặc biệt là ở một số tỉnh, thành có sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và ở khu vực đô thị lớn (có tỉnh hiện nay tỉ lệ thừa cân/béo phì ở trẻ đã trên 10%); tình trạng thiếu vi chất ở bà mẹ và trẻ em có giảm so với những giai đoạn trước nhưng vẫn ở mức cao, tình trạng thiếu nhiều loại vi chất ở một cá thể vẫn còn phổ biến...

Tuy nhiên, các nguồn lực đầu tư ngày càng hạn hẹp so với những năm trước nên hiện tại, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đang gặp nhiều thách thức.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em: Thách thức và giải pháp

Cán bộ y tế  tham gia giám sát cân đo trẻ.

Với mục tiêu tiếp tục triển khai các can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu Y tế - Dân số 2016-2020), công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em sẽ tiếp tục đẩy mạnh với các giải pháp toàn diện như triển khai gói can thiệp dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ; bổ sung vitamin A, bổ sung viên sắt/viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ; theo dõi tăng trưởng, điều trị phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng; kiểm soát thừa cân/béo phì, tăng cường phối hợp liên ngành, trong đó ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho các tỉnh khó khăn - nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, tăng cường huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống suy dinh dưỡng.

TS.BS. Vũ Văn Tán

(Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng và Bệnh không lây nhiễm - Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!