Kết thúc chuyến công tác dài ngày, trở về nhà trong sự mệt mỏi sau một chặng đường dài, chị Vân nhận được một bức thư ngắn của cô con gái 10 tuổi, cộng với 150.000 đồng (phần lớn chỉ là tiền 10.000 và 20.000 đồng) với nội dung: ‘Mẹ thân mến! Con biết mẹ rất bận và mệt mỏi với công việc hiện tại, nhưng con mong số tiền ít ỏi này sẽ mua được 1/2 ngày của cha mẹ sẽ ở nhà với con và dẫn con đi công viên nước. Con rất mong cha mẹ đồng ý’.
Chị biết con gái đã đọc được câu chuyện về mua thời gian của cha ở trên mạng hoặc đâu đó. Nhưng điều làm chị sực tỉnh là trong thời gian qua, chị và chồng đã bỏ rơi đứa con của mình quá lâu trong ngôi nhà 5 tầng cùng cô giúp việc. Chị thầm cảm ơn con gái đã nhắc khéo mình về vai trò và trách nhiệm làm mẹ. Quyết định tạm gác mọi công việc làm báo cáo sau chuyến công tác, chị thông báo với chồng và lên kế hoạch cùng con đi chơi ngày hôm sau.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, ít ông bố bà được mẹ may mắn được con nhắc nhở như chị Vân về sự thiếu quan tâm với con cái. Phần lớn cha mẹ chỉ nhận ra khi con đã rơi vào những rắc rối hoặc bị con phản kháng chống lại và không nghe lời. Lúc này các bậc cha mẹ mới xem xét các nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
Theo các chuyên gia tâm lý thì những trẻ sống trong môi trường cha mẹ thường xuyên bận rộn sẽ dễ dàng rối loạn về tâm sinh lý và hay gặp vấn đề về nhận thức. Trẻ có cha mẹ thường xuyên bận rộn, sẽ thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc, đặc biệt là sự tương tác giao tiếp của cha mẹ.
Trẻ sống trong môi trường có cha mẹ thường xuyên bận rộn sẽ rất dễ có những quan niệm như:
1. Tiền bạc có thể mua được mọi thứ
Thông thường, những cha mẹ bận rộn thường sẽ hay ám thị một cách vô thức với con rằng: ‘Cha mẹ cần làm việc để kiếm tiền mới có thể cho con đi chơi công viên/sở thú/ đi siêu thị’. Hay ‘Nếu không có tiền con sẽ không được đi học/mua cho con quần áo mới/ đồ chơi,...’. Tóm lại mọi thứ đều có chỉ có thể giải quyết bằng tiền; và trẻ thấy rằng đồng tiền thật ‘vạn năng’. Đương nhiên, trẻ sẽ trở thành một người coi trọng đồng tiền hơn mọi thứ.
Trên thực tế, nhiều cha mẹ đã vô cùng sốc, khi biết con trẻ lấy tiền đem đến lớp với mục đích mua chuộc để các bạn về phe mình hoặc làm theo những gì mong muốn. Trẻ sẵn sàng lấy tiền ra làm công cụ giải quyết mọi vấn đề đang gặp phải. Trẻ cho rằng có tiền là có sức mạnh và dễ dàng có những hành động phá cách, hung hăng và thiếu tính mềm dẻo trong cách xử lý vấn đề.
2. Biểu hiện của yêu thương là tiền và vật chất
Điều này sẽ gặp rất nhiều ở cha mẹ thường xuyên bận rộn. Họ nghĩ sẽ bù đắp tình cảm cho con khi cung cấp mọi thứ đồ tốt nhất, xa xỉ nhất như sẵn sàng mua những đồ chơi đắt tiền, quần áo, cho tiền con để có thể mua những gì con thích,.... Họ luôn nghĩ: mình đã vất vả kiếm tiền thì con phải được hưởng những gì tốt nhất có thể. Đi kèm theo đó, cha mẹ thường thanh minh với trẻ: ‘Cha/mẹ bận rộn để kiếm tiền chủ yếu là vì yêu và lo lắng cho tương lai sau này của con’. Để thể hiện tình yêu thương của mình, cha mẹ sẵn sàng cho con học ở những trường đắt nhất, được hưởng những dịch vụ tốt nhất,...
Tóm lại, mọi thứ tình yêu của cha mẹ đều thể hiện bằng việc đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất của trẻ. Nhưng họ liệu có biết rằng, hành động đó vô hình trung sẽ khiến trẻ hữu hình hóa tình yêu thương của cha mẹ bằng những món đồ hiện kim đắt tiền. Từ từ, sợi dây liên kết của cha mẹ và con cái sẽ ngày càng dài ra, khoảng cách sẽ ngày càng rộng.
Ảnh minh họa
3. Chẳng cần cố gắng, đã có cha mẹ lo mọi thứ
Thực tế, cha mẹ luôn nói và nghĩ rằng, mọi thứ cha/mẹ làm là đều vì mong muốn những điều tốt đẹp đến với con. Vì cha mẹ muốn sau này con được đầy đủ mọi thứ, có một nền tảng vững chắc để phát triển. Có thể cha mẹ không để ý với những phát ngôn của mình như: ‘Cha mẹ sẽ làm hết sức vì con’ hay ‘tất cả những điều cha mẹ làm đều là vì con’… Nhưng điều này sẽ dễ khiến trẻ hiểu rằng: chẳng cần phải cố gắng làm gì cả, vì đã có cha mẹ làm mọi thứ.
Hơn nữa, sự đáp ứng mọi thứ của cha mẹ khi trẻ cần càng làm cho trẻ thấy mình chẳng cần phải cố gắng gì cả mà vẫn được thỏa mãn về vật chất. Trẻ dần mất đi những ước mơ, hoài bão thậm chí là không có mục tiêu để phấn đấu trong cuộc sống. Thay vào đó là tâm lý thích hưởng thụ, thụ động, luôn phụ thuộc vào người khác.
4. Con cái không quan trọng bằng tiền và địa vị
Thực tế rất nhiều trẻ tâm sự: cha mẹ luôn làm việc và hầu như mọi sự quan tâm của cha mẹ chỉ dành cho công việc. Cha/mẹ không biết hôm nay con vui hay buồn hoặc thậm chí chỉ khi nói chuyện công việc với ai đó vui hơn là nói chuyện với con. Nhiều ông bố bà mẹ còn phó thác cuộc sống của con cho người giúp việc.
Khi công việc và những mối quan hệ xã hội lấn áp thời gian dành cho con cái, cha mẹ hoàn toàn chẳng những không thể hiểu con mà còn vô tình gieo vào tâm trí con trẻ suy nghĩ ‘Con cái không quan trọng bằng tiền và địa vị’.
Không chỉ vậy, khi trẻ yêu cầu dành thời gian cho mình, không ít cha mẹ trả lời với một thái độ không thoải mái kiểu như: ‘Cha/mẹ không biết’, hay ‘sao con hỏi ngớ ngẩn thế’ hoặc ‘con thật phiền phức, cha mẹ đang bận không có thời gian nói chuyện linh tinh đó đâu’…
Đôi khi những lời hứa cùng vui chơi, những kỳ nghỉ được lên kế hoạch trong sự háo hức của con trẻ lại bị quên lãng hay trì hoãn bởi công việc đột xuất của cha mẹ. Dần dần, con cái sẽ đánh mất lòng tin với những lời hứa của cha mẹ và không tránh khỏi suy nghĩ: ‘Mình không có giá trị và không quan trọng bằng tiền bạc và công việc của cha mẹ'.
5. Không thể cùng trò chuyện và hiểu cha mẹ
Công việc kéo dài khoảng cách cha mẹ và con cái. Theo đó, con trẻ sẽ không thấy sự gần gũi của sợi dây gắn kết tình cảm gia đình. Nhất là đối với trẻ đang dậy thì với những thay đổi về tâm sinh lý, sự thiếu vắng quan tâm của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tâm hồn, tính cách của trẻ.
Ảnh minh họa
Những thắc mắc, băn khoăn của trẻ sẽ không được cha mẹ giải đáp kịp thời. Trẻ sẽ tự tìm hiểu trên mạng hoặc thông qua bạn bè. Rất có thể, chúng chỉ thu nhận được những thông tin tiêu cực không chính xác, từ đó có những hành động đáng chê trách.
Thực tế, có không ít những trường hợp trẻ bị sai lệch về tinh thần, có hiểu biết sai lầm về cuộc sống hay cách nhìn lệch lạc về tình dục bởi sự thiếu thốn quan tâm, chia sẻ và định hướng của người thân, đặc biệt là cha mẹ.
6. Một số gợi ý cho cha mẹ bận rộn để cải thiện tình hình
- Sắp xếp lịch theo thứ tự ưu tiên theo tuần hoặc tháng. Luôn dành một phần trong đó là những việc làm chung với con.
- Chủ động trao đổi, tâm sự về mong muốn của con ở cha mẹ.
- Lập kế hoạch để có một thời gian nhất định mà cả gia đình có thể sinh hoạt và trò chuyện cùng nhau hoặc tham gia trò chơi mang tính gia đình.
- Cần thỏa thuận trao đổi giữa hai vợ chồng hoặc các thành viên trong gia đình để cân đối công việc và thời gian. Tránh việc để trẻ ở nhà dài ngày với người giúp việc hoặc ông bà.
- Cho trẻ hiểu rằng, công việc và tiền bạc chỉ là một công cụ để hỗ trợ làm cho cuộc sống tốt đẹp và dễ chịu hơn chứ không phải là tất cả. Tiền bạc không bao giờ thay thế được con cái.
Xem thêm:
Cha mẹ khẩu chiến ảnh hưởng tới trẻ như thế nào?
Điều xảy ra với trẻ khi bố mẹ thất hứa
Ảnh hưởng tâm lý của con trẻ khi cha mẹ ly hôn
Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Lan
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!