Đó là rất nhiều những lý do mà các ông bố bà mẹ thậm chí cả ông bà nói về con, cháu của mình khi có một ai đó góp ý về đứa trẻ của họ quá nghịch, nghịch 'không thể chịu được'.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về sức khỏe của Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai một đứa trẻ hiếu động và đứa trẻ tăng động có những điều khác biệt mà bố mẹ hay ông bà chỉ cần chú ý là có thể phát hiện được ra ngay.
Theo đó, BS. Lê Công Thiện, Trưởng Phòng Tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, trẻ hiếu động khác với trẻ tăng động ở mục đích hành vi. Trẻ hiếu động có hành vi mang hướng tích cực. Một đứa trẻ hiếu động cũng có biểu hiện là tăng hoạt động nhưng các hoạt động đó có mục đích và tuân thủ quy định.
Ví dụ cháu bé có thể chơi, quậy phá và nghịch ngợm nhưng khi được yêu cầu ngồi một chỗ không quá thì đứa trẻ tuân thủ được. Đứa trẻ hiếu động nghịch nhiều nhưng không ảnh hưởng đến kết quả học tập, nếu yêu cầu phải tập trung trong khoảng thời gian nhất định thì đứa trẻ đáp ứng được.
Còn với đứa trẻ có biểu hiện tăng động thì ngược lại, trẻ cũng nghịch ngợm hoạt động không kiểm soát và tăng mức độ hoạt động. Trẻ Thiếu kiên trì trong các hoạt động đòi hỏi sự tham gia của nhận thức, dễ xúc động.
Vận động nhiều, luôn nhấp nhỏm, chạy nhảy, leo trèo, khó khăn trong việc tổ chức sắp xếp công việc, thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập, thường xuyên quên hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu người khác. Trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ'- bác sĩ Thiện nói.
Cha mẹ cần chú ý đến những hành động của trẻ để kịp thời phát hiện trẻ tăng động giảm chú ý
Chia sẻ về những trường hợp trẻ “nghịch kinh khủng” nhưng gia đình không biết và cho rằng trẻ “hiếu động”, Bs Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, bản thân ông đã điều trị cho một cháu bé 11 tuổi ở Hà Nội. Gia đình chỉ đưa đến viện khi tất cả các giải pháp trước đó không giải quyết được.
Cháu bé nghịch kinh khủng, luôn gây gổ với mọi người trong gia đình đến nỗi bố mẹ không trông được và phải thuê 2 giúp việc để trông cháu. Vậy mà hai giúp việc cũng phải “chào thua” vì không thể chịu được những trò nghịch của cậu “quý tử”. Có khi cậu bé tự dùng gạch đập vào đầu vào mặt mình, có lần người giúp việc đang ngủ thì cậu ra tè vào mặt…BS. Phương cũng cho biết, sau hơn 2 năm điều trị tình trạng tăng động giảm chú ý của cháu đã đỡ dần và trẻ hòa nhập cộng đồng.
Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cũng bày tỏ, hiện rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ là một vấn đề nan giải đối với các bậc cha mẹ. Nếu không được chữa trị, trẻ lớn lên có thể vi phạm các vấn đề đạo đức, luật pháp như đập phá, ăn trộm, dễ có nhân cách chống đối xã hội, sử dụng các chất gây nghiện, trầm cảm, lo âu…
Bên cạnh đó, hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý là mạn tính, cần phải điều trị lâu dài nhưng nhiều gia đình không đủ kiên nhẫn hoặc không đủ khả năng tài chính, nên bỏ điều trị.
Theo một số nghiên cứu, hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh, thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành.
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh, thiếu niên. Tỉ lệ trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý trên thế giới khoảng 5,2%.
Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ có vấn đề về chú ý khoảng 4% trên 1.320 trẻ được nghiên cứu. Trẻ em nam bị rối loạn tăng động giảm chú ý gấp nhiều lần so với trẻ em nữ. Hầu hết trẻ em đều có những thời điểm khó kiểm soát hành vi, một số trẻ có thể hoạt động liên tục, rất nghịch ngợm, tò mò với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, với trẻ có rối loạn tăng động, giảm chú ý, việc kiểm soát hành vi trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!