Tất cả những gì bạn cần biết về bệnh viêm nấm miệng (P1)

Chăm sóc răng miệng - 11/24/2024

Hello BACSI - Thông tin về bệnh. Bệnh nấm miệng xảy ra khi có sự viêm nhiễm do nấm phát triển bên trong khoang miệng và trên lưỡi.

Bệnh nấm miệng xảy ra khi có sự viêm nhiễm do nấm phát triển bên trong khoang miệng và trên lưỡi. Tình trạng này còn được gọi là bệnh nhiễm nấm Cadida miệng hầu. Bệnh này do nấm Candida albicans gây ra, nếu ở số lượng ít thì không có nguy cơ gây hại. Tuy nhiên, khi chúng phát triển với mức độ không kiểm soát, quá trình lây nhiễm sẽ phát triển trong miệng bạn.

Bệnh nấm miệng thường xảy ra phần lớn ở  trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ đang tập đi. Bệnh này sẽ gây nên những cục bợn trắng trên lưỡi và bên trong má. Nếu được chữa trị kịp thời, tình trạng bệnh sẽ giảm nhanh chóng.

Mặc dù bệnh nấm miệng là bệnh viêm nhiễm thường gặp, ảnh hưởng nhẹ và ít gây biến chứng, những triệu chứng của nó có thể nghiêm trọng hơn ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Những triệu chứng của bệnh nấm miệng

Ở giai đoạn đầu, bệnh nấm miệng có thể không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi nấm đã phát triển nhiều hơn trong khoang miệng và hầu, các triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện, bao gồm:

  • Lưỡi, má trong, lợi và amidan đóng mảng trắng;
  • Chảy máu nhẹ ở những bợn trắng bị cào xước;
  • Đau ở vị trí có bợn trắng;
  • Khô và nứt những vùng da góc miệng gây khó nhai.

Đối với trẻ em, bệnh nấm miệng làm trẻ biếng ăn, khó chịu, trở nên gắt gỏng và hay quấy khóc. Những đứa trẻ mắc bệnh nấm miệng có thể lây lan bệnh qua người mẹ bằng đường bú. Nếu bạn đang trong giai đoạn cho con bú và bầu ngực của bạn bị viêm nấm, bạn có thể trải qua những tình trạng khó chịu dưới đây:

  • Vô cùng ngứa ngáy, nhạy cảm hoặc bị đau ở núm vú;
  • Vùng da quanh nhũ hoa trở nên căng bóng hoặc bong tróc;
  • Thường xuyên cảm thấy đau trong lúc cho con bú;
  • Đau buốt ở ngực.

Những nguyên nhân gây bệnh nấm miệng

Bệnh nấm miệng xảy ra khi nấm Candida albicans bắt đầu hoạt động mạnh vượt quá tầm kiểm soát. Thông thường, hệ miễn dịch trong cơ thể bạn sẽ khống chế loại nấm này và những vi sinh vật gây hại khác bằng những vi sinh vật có lợi. Tuy nhiên, khi sự cân bằng này bị phá vỡ, những vi khuẩn gây hại và nấm bắt đầu sinh sôi nảy nở, làm viêm nhiễm ngày càng trầm trọng.

Bệnh viêm nấm miệng xảy ra khi hệ miễn dịch suy yếu do bất kì những phương pháp điều trị nào làm giảm lượng vi khuẩn tốt giúp ngăn chặn viêm nhiễm. Những liệu trình điều trị ung thư bao gồm hóa trị và xạ trị cũng có khả năng phá hủy những tế bào khỏe mạnh khiến bạn dễ mắc nấm miệng và nhiều bệnh viêm nhiễm khác.

Những loại bệnh tấn công hệ miễn dịch của bạn như HIV, AIDS và bệnh bạch cầu cũng gây tăng nguy cơ mắc bệnh nấm miệng. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường và những bệnh khác có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bạn, từ đó cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm miệng. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường khó kiểm soát, bạn chắc chắn sẽ có lượng đường trong tuyến nước bọt cao. Vì thế, nấm Candidaalbicans sau đó sẽ lợi dụng lượng đường dư này để tiếp tục hoạt động mạnh hơn. Đối với  trẻ sơ sinh, bệnh nấm miệng có thể xuất hiện ngay khi bé vừa sinh ra.

Ai có nguy cơ mắc nấm miệng?

Trẻ em trong độ tuổi sơ sinh và tập đi là những đối tượng có nguy cơ bị nấm miệng cao nhất. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch yếu cũng không nằm ngoài danh sách này, đặc biệt là những người nhiễm HIV, AIDS, tiểu đường hay thiếu máu, các bệnh liên quan đến chứng khô miệng, những bệnh nhân sử dụng kháng sinh hoặc thuốc chứa corticosteriod, những trường hợp đang điều trị hóa trị, xạ trị hoặc thuốc để trị ung thư, đeo răng giả hay hút thuốc đều có nguy cơ cao mắc bệnh nấm miệng.

Mời bạn tiếp tục theo dõi phần 2 chia sẻ về các cách phát hiện và chữa trị căn bệnh này.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!