Tham vấn học đường: Nơi lắng nghe và gỡ rối những vấn đề 'tế nhị' của học sinh

Thời sự - 11/24/2024

Để trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh, các trường học đã có nhiều mô hình hay, thành lập phòng tư vấn học đường để hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc dành cho lứa tuổi học trò.

Nhiều mô hình hay nhằm hỗ trợ lứa tuổi vị thành niên

Công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên và xâm hại tình dục là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của các thế hệ. Tại nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại tình dục… đối với học sinh được chú trọng, đa dạng hóa những hình thức, mô hình hay và mới lạ để phát huy tác dụng hiệu quả công tác truyền thông về sức khỏe sinh sản dành cho đối tượng học sinh.

Tiêu biểu như thời gian qua, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đã phối hợp Phòng GD&ĐT, Đoàn thanh niên huyện, triển khai các buổi lồng ghép truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại các trường THCS, THPT trên địa bàn. Nhiều mô hình hỗ trợ cho lứa tuổi vị thành niên đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: Câu lạc bộ các bà mẹ có con vị thành niên, thanh niên; Câu lạc bộ tiền hôn nhân; Góc thân thiện trong các trường học...

Điển hình là mô hình 'Câu lạc bộ các bạn gái tiêu biểu' với mục đích nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho các nhóm đối tượng, nhất là nữ. Tại mô hình này, các nữ sinh được chia sẻ về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tư vấn và giải đáp thắc mắc của các em học sinh về những thay đổi tâm, sinh lý ở tuổi dậy thì, cách phòng tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân, hậu quả của nạo phá thai, hay các trường hợp xâm hại tình dục... Bên cạnh đó, xây dựng các góc thân thiện trong trường học như tranh ảnh, tờ rơi, banner có kiến thức, tình huống về chăm sóc sức khỏe sinh sản và xâm hại tình dục cho các em học sinh có thể nhận biết sớm và cách phòng tránh tác hại không mong muốn.

Còn tại Bắc Giang, Sở Y tế - Sở GD&ĐT đã ký kế hoạch liên ngành triển khai mô hình truyền thông về dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên/thanh niên trong nhà trường, đây là một trong ba mô hình của Đề án 'Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017 - 2020'. Thời gian qua, mô hình này đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo giáo viên, học sinh và thu được hiệu quả tích cực.

Các hoạt động của mô hình được tổ chức đa dạng, bằng nhiều hình thức: Thành lập mạng lưới tuyên truyền viên thông qua các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, trang bị Góc kiến thức, tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân, truyền thông cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cha mẹ học sinh.

Tham vấn học đường: Nơi lắng nghe và gỡ rối những vấn đề 'tế nhị' của học sinh

Tuyên truyền, hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh. Ảnh: CCDSBG

Phòng tư vấn luôn sẵn sàng lắng nghe chia sẻ từ học sinh

Ngoài mở các câu lạc bộ, góc truyền thông, các trường học tùy theo điều kiện để đa dạng hóa các hình thức tư vấn, lồng ghép tuyên truyền, trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh. Nhiều trường học đã xây dựng và tổ chức phòng tư vấn tâm lý học đường và bố trí giáo viên chuyên trách túc trực hàng ngày nhằm lắng nghe những chia sẻ, giải đáp các thắc mắc của học sinh.

Từ năm 2001, trong khi các trường cả nước còn xa lạ với mô hình phòng Tư vấn tâm lý học đường thì trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã chi vài trăm triệu mỗi năm để phát triển phòng chuyên môn này với đội ngũ chuyên gia riêng. Thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng nhà trường cho hay, đối tượng học sinh của trường có nhu cầu bộc lộ bản thân cao nên cần người thứ ba lắng nghe và trao đổi lại với giáo viên chủ nhiệm để cùng tìm ra giải pháp. Với quan điểm giáo dục không chỉ thiên về dạy chữ mà còn cần quan tâm đầy đủ đến dạy người, đến phát triển tâm sinh lý, tính cách của học sinh, hoạt động tư vấn tâm lý của nhà trường đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

'Tại trường, thường đa số các em qua phòng tư vấn để chia sẻ khó khăn về học tập và về ý thức kỷ luật; Tiếp đó là có khó khăn về vướng mắc trong quan hệ gia đình. Một số học sinh có các vấn đề về rối nhiễu giới tính và biểu hiện tâm thần. Đây là hoạt động nhằm phát hiện sớm những học sinh có khó khăn tâm lý trong trường học để tìm ra phương thức trợ giúp, can thiệp thích hợp. Thông qua phòng tư vấn, lồng ghép, trang bị những kiến thức kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức về giới tính' - Thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ thêm.

Nhằm hỗ trợ cho học sinh, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Các trường đều thành lập tổ tư vấn tâm lý, hoặc cử giáo viên kiêm nhiệm công tác này. Thành phần tổ tư vấn gồm: Đại diện lãnh đạo nhà trường làm Tổ trưởng; thành viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội…

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!