Trong những năm gần đây tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) ngày càng gia tăng. Các em còn khoảng trống rất lớn về các kiến thức SKSS/KHHGĐ, lạm dụng tình dục ở lứa tuổi VTN/TN.
Đề án 'Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ Dân số - KHHGĐ cho VTN/TN' giai đoạn 2018-2020 được triển khai tại 94 trường THCS, THPT của 15 huyện ở Thanh Hoá luôn được quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là Chi cục DS-KHHGĐ Thanh Hoá, đã chủ động hướng dẫn và giám sát cơ sở để tham mưu cho Ban lãnh đạo kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động của Đề án.
Thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Y tế các huyện với nhà trường và các xã thực hiện Đề án, sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh và nhất là các bậc phụ huynh, đã giúp thay đổi nhận thức về giáo dục SKSS/KHHGĐ cho lứa tuổi học đường. Các hoạt động của Đề án đặc biệt là hoạt động tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tại các trường THCS, THPT thụ hưởng đề án, đã tạo một sân chơi thiết thực, bổ ích, giúp cho các em có điều kiện tìm hiểu về lĩnh vực SKSS/KHHGĐ phù hợp với lứa tuổi học đường; giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai.
Từ khi Đề án được triển khai công tác chăm sóc SKSS lứa tuổi VTN, VTN/TN đã có những bước phát triển khá toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đã và đang đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá.
Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa truyền thông trực tiếp về chăm sóc SKSS vị thành niên cho học sinh Trường THPT Hậu Lộc 4.
Tuy nguồn kinh phí riêng cho Đề án không được phê duyệt, song bằng các nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu dân số - y tế, trong 3 năm 2018 - 2019 đã triển khai các hoạt động truyền thông nhân bản được 23.510 tờ rơi về các nội dung: Những điều bạn cần biết ở tuổi VTN/TN, vấn đề tình bạn, tình yêu tuổi dậy thì.
Các tờ rơi được phát cho các em học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa và trưng bày ở các góc thư viện của nhà trường. Mục đích giúp các em có thêm tài liệu để tự đọc và tìm hiểu về lĩnh vực SKSS/KHHGĐ tuổi mới lớn, tránh tình trạng các em tìm hiểu thông tin về giới tính tràn lan trên các trang mạng xã hội, khó tránh những luồng thông tin sai lệch. Xây dựng được 4 cụm Pano tại 04 huyện: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc, Đông Sơn, lắp đặt pano ở các ngã tư, nơi đông người qua lại, nhằm tuyên truyền đến toàn thể cộng đồng dân cư về các hiệu quả thiết thực của đề án, từ đó mang đến sự ủng hộ của toàn xã hội đối với lứa tuổi VTN/TN.
Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức 15 hội thi về giới tính và SKSS VTN/TN. Đây là những sân chơi rất thiết thực và hiệu quả, nó như 1 sân khấu thu nhỏ giúp các em có điều kiện thể hiện sự hiểu biết của bản thân về các lĩnh vực tình bạn, tình yêu giới tính, SKSS và các biện pháp tránh thai phù hợp. Các cuộc thi trên đã tạo được âm vang lớn cho toàn xã hội. Cùng với đó đã tổ chức 15 cuộc truyền thông về SKSS/KHHGĐ cho cha mẹ có con trong độ tuổi VTN/TN cung cấp kiến thức cho 960 phụ huynh về nhiều lĩnh vực để giáo dục giới tính cho các em.
Trên 30.000 học sinh được cung cấp kiến thức và các kỹ năng cần thiết về những vấn đề SKSS/KHHGĐ tuổi dậy thì.
Trong 3 năm 2018-2020, Thanh Hoá đã tổ chức được 282 cuộc sinh hoạt ngoại khóa tại các trường cho học sinh THCS, THPT. Các buổi sinh hoạt đã giúp trên 30.000 học sinh các trường thụ hưởng Đề án được cung cấp kiến thức và các kỹ năng cần thiết về những vấn đề SKSS/KHHGĐ tuổi dậy thì. Các buổi sinh hoạt này đã trở thành chủ đề bổ ích cho các em có cơ hội tham gia bày tỏ ý kiến của mình về những thắc mắc, băn khoăn khó nói về những điều thầm kín của bản thân với bố mẹ, thầy cô và những người xung quanh.
Qua buổi sinh hoạt các em đã rất mạnh dạn đưa ra chính kiến của mình và đủ tự tin khi nói về vấn đề khác giới, có tới 65% VTN/TN ở các trường THCS, THPT triển khai Đề án có hiểu biết cơ bản về một số vấn đề DS-KHHGĐ như các biện pháp tránh thai, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Có tới 65% cấp ủy Đảng, chính quyền có văn bản chỉ đạo tạo môi trường xã hội thân thiện, ủng hộ VTN/TN, đặc biệt là nhà trường đã được sự ủng hộ rất lớn từ phía các thầy cô giáo và lãnh đạo nhà trường. Các buổi sinh hoạt đã tạo cho thầy cô có điều kiện giao lưu chia sẻ với học sinh về những vấn đề kỹ năng sống, giúp trò và thầy gần gũi, thân thiện hơn trong các buổi sinh hoạt. 50% cha mẹ có con trong tuổi VTN-TN ủng hộ, hướng dẫn, hỗ trợ con cái chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức và tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ DS-KHHGD
Để VTN/TN, những lao động chủ lực của ngày mai có đầy đủ kiến thức về thể chất cũng như tinh thần, tự tin bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò của gia đình. Thiết nghĩ, cần đưa Đề án vào trong các trường THCS, THPT như một giờ giảng dạy chính thống, bởi chỉ khi VTN/TN có đầy đủ kiến thức; hiểu rõ vai trò, trách nhiệm khi trở thành bố - mẹ; khi đủ 'chín' để vun vén, chăm lo cho những đứa trẻ ra đời, lớn lên với đầy đủ tình yêu thương và trách nhiệm xã hội mới là sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!