Thực hư loại thuốc giải rượu 'thổi bay' nồng độ cồn?

Thời sự - 11/24/2024

Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện hàng loạt quảng cáo sản phẩm thuốc giải rượu thần tốc… để ăn theo 'trend' phạt lái xe có nồng độ cồn.

Gây 'sốt' nhất những ngày qua là một loại sản phẩm 'kẹo giải rượu' Hàn Quốc, được nhiều người bán hàng online quảng cáo trên mạng xã hội với nhiều tác dụng thần kỳ, đặc biệt là giúp người uống rượu bia lái xe tham gia giao thông 'thoát kiểm tra nồng độ cồn'.

Thực hư loại thuốc giải rượu 'thổi bay' nồng độ cồn?

Sản phẩm này quảng cáo trên một số website bán hàng, Facebook, giúp 'xả' nhanh lượng cồn trong máu, từ đó giúp uống lâu say hơn, cũng như giải say nhanh chóng.

Trước thực trạng này, đại diện Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo, khẳng định: Tại Việt Nam chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc hay 'thổi bay nồng độ cồn' như vậy.

Theo Cục Quản lý dược, ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.

PGS.TS Trần Nhân Thắng, Trưởng Khoa Dược - Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, chắc chắn không có loại thuốc hay sản phẩm nào có tác dụng 'thổi bay' được nồng độ cồn trong chốc lát.

Theo ông Thắng, trên thực tế có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hoá, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc…) với sự chỉ định của bác sĩ.

Hơn nữa, quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khoẻ.

Liên quan đến thuốc giải rượu, các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay là có tình trạng lạm dụng các loại thuốc giải rượu. Không ít người dù đã uống thuốc giải rượu song vẫn phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc rượu.

Thậm chí, những bệnh nhân đã uống thuốc giải rượu thường nhập viện trong tình trạng nặng hơn, bởi tâm lý 'dùng thuốc giải rượu rồi thì có thể uống vô tư'.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc nhấn mạnh, đây là quan niệm sai lầm bởi hiện chưa có loại thuốc giải rượu nào được chứng minh có hiệu quả rõ ràng.

'Thực tế các loại thuốc giải rượu hiện nay, kể cả thuốc dạng uống hay dạng tiêm, thường chỉ có tác dụng hỗ trợ phần nào, cơ chế tác động là bù đắp muối, khoáng, vitamin vào cơ thể người uống. Không có chuyện say rượu cứ uống, tiêm thuốc giải rượu vào là tỉnh ngay. Vì thế đừng mất công đi tìm các loại thuốc giải rượu làm gì', bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Bác sĩ Lê Thị Cẩm Thơ, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cho hay 'thuốc giải rượu' như các lời quảng cáo rầm rộ thực chất chứa các thành phần dinh dưỡng thông thường như vitamin B1, B6, B12, acid glutamic... Tuy nhiên, chúng đang được quảng cáo là có tác dụng giải độc gan, mát gan.

Những 'thuốc' này thực ra là thực phẩm chức năng, chỉ có tác dụng hỗ trợ cơ thể chứ không điều trị bệnh. Đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh những chất này khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu hoặc làm mất trạng thái say xỉn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!