Thuốc làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai

Thời sự - 11/24/2024

Uống thuốc tránh thai là biện pháp kế hoạch hóa gia đình được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên đã có báo cáo đề cập đến vấn đề dùng cùng lúc thuốc tránh thai đường uống với một số loại thuốc điều trị khác có thể làm giảm hiệu quả ngừa thai.

Thuốc tránh thai có tác dụng ngăn cản sự tiếp xúc của tinh trùng với trứng. Thuốc có chứa hormon ngăn cản sự rụng trứng, làm co thắt cổ tử cung khiến trứng không thể làm tổ. Vì vậy sử dụng thuốc tránh thai đường uống là một trong những phương pháp ngừa thai nội tiết tố hiệu quả và tiện lợi. Các thuốc tránh thai phối hợp đường uống hiện có trên thị trường bao gồm viên thuốc chỉ có progestin và các chế phẩm phối hợp estrogen-progestin một pha, hai pha hoặc ba pha.

Thuốc tránh thai khi được dùng đúng chỉ dẫn có thể đạt hiệu quả ngừa thai lên đến trên 90%. Nhưng trong khi dùng thuốc tránh thai, một số chị em có thể phải dùng đồng thời với một thuốc khác để điều trị một bệnh nào đó sẽ dẫn đến xảy ra tương tác thuốc làm mất hiệu lực của thuốc như có thai ngoài ý muốn hoặc thay đổi tác dụng dược lý, đôi khi cả độc tính của các thuốc điều trị. Dưới đây là một số thuốc điều trị cần lưu ý khi uống cùng với thuốc tránh thai.

Thuốc làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai

Một số thuốc điều trị bệnh có thể làm hỏng mục đích tránh thai của thuốc.

Kháng sinh

Hầu hết các loại kháng sinh không làm mất đi hiệu quả của các loại thuốc tránh thai. Nhưng một số loại kháng sinh có thể gây ảnh hưởng như: chloramphenicol, co-trimoxazole, penicillin, tetracyclin, sulfonamid. Cơ chế chính của tương tác này là sự thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột có liên quan tới chu trình chuyển hóa gan - ruột của estrogen. Mặc dù tần suất thấp, báo cáo về các ca thất bại việc tránh thai bằng đường uống do kháng sinh chiếm tỷ lệ 1-3%, nhưng vẫn khuyến nghị cần phải sử dụng thêm biện pháp ngừa thai trong thời gian sử dụng kháng sinh phổ rộng và 7 ngày sau đó.

Thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus làm tăng quá trình chuyển hóa của estrogen và progesterone, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai. Tương tác này vẫn tồn tại ở các thuốc kháng virus thế hệ mới nếu có cảm ứng enzym gan. Vì vậy cần sử dụng biện pháp tránh thai khác khi phải sử dụng các thuốc kháng virus như: nelfinavir, nevirapine, ritonavir.

Các thuốc kháng nấm

Các thuốc kháng nấm fluconazole, itraconazole, ketoconazole, griseofulvin có cơ chế chuyển hóa chính xác chưa rõ khi dùng cùng thuốc ngừa thai, nhưng thất bại trong ngừa thai do kết quả của tương tác với griseofulvin đã được công bố, nên vẫn cần sử dụng thêm biện pháp ngừa thai khác nếu sử dụng đồng thời với griseofulvin và tiếp tục tối thiểu 4 tuần sau khi ngưng griseofulvin.

Tương tự, thất bại trong ngừa thai cũng được ghi nhận khi sử dụng đồng thời với fluconazole, itraconazole và ketoconazole. Vì vậy cần sử dụng thêm biện pháp tránh thai khác.

Thuốc chống động kinh

Khi phải sử dụng một số loại thuốc chống động kinh như: carbamazepine, felbamate, oxcarbazepine, phenobarbital, phenytoin, primidone, topiramate, bạn cần có các biện pháp tránh thai cẩn thận. Vì các thuốc này cảm ứng enzym làm tăng tốc độ chuyển hóa của thuốc tránh thai. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc tránh thai thất bại hoặc xuất huyết bất thường được ghi nhận khi sử dụng đồng thời với thuốc chống động kinh.

Đối với những phụ nữ có sử dụng thuốc chống động kinh, nên sử dụng biện pháp ngừa thai không có hormon hoặc sử dụng thuốc tránh thai với liều estrogen ≥ 50mcg hoặc sử dụng thuốc chống động kinh khác không tương tác.

Thuốc trị tiểu đường

Là chất cảm ứng enzym gan nên có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai. Vì vậy, cần sử dụng thêm biện pháp tránh thai khác hoặc tăng liều thuốc tránh thai khi đang phải uống thuốc điều trị tiểu đường.

Ngoài ra sự tương tác thuốc dẫn đến thất bại của việc tránh thai bằng đường uống còn có phải kể đến một số thuốc như: Thuốc hạ huyết áp, các thuốc chống đông máu (phenindion, warfarin) và các coumarin khác, thuốc hạ sốt giảm đau (aspirin, paracetamol), thuốc nhuận tràng... Tuy nhiên, còn cần có nhiều nghiên cứu thêm để khẳng định điều này.

Vì vậy, khi đang uống thuốc tránh thai chị em cần phải thận trọng khi dùng cùng các thuốc khác. Không tự ý dùng thuốc mà phải hỏi kỹ thầy thuốc điều trị. Trong những trường hợp bất khả kháng khi vừa tránh thai vừa phải điều trị bệnh thì nên dùng một phương pháp tránh thai hỗ trợ khác như: bao cao su, màng ngăn âm đạo, thuốc diệt tinh trùng... để tăng tối đa hiệu quả tránh thai.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!