Thuốc trị tăng huyết áp tránh dùng cho thai phụ

Mang thai - 04/20/2024

Đối với phụ nữ mang thai hầu hết có sức khỏe bình thường, tuy vậy, có một số trường hợp khi mang thai huyết áp có thể tăng nhẹ vào thời gian nửa sau thai kỳ, không kèm theo các dấu hiệu bệnh lý khác và khỏi hoàn toàn khi hết thời kỳ hậu sản.

Tuy vậy, có một số phụ nữ mang thai bị tăng huyết làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thai nhi và gây ra những biến chứng xấu cho sức khỏe của người mẹ cũng như thai nhi sau khi ra đời. Vậy dùng thuốc trong trường hợp này như thế nào?

Nguyên nhân khiến thai phụ tăng huyết áp

Một số nguyên nhân hay gặp gây tăng huyết áp ở thai phụ là: Thừa cân, trước khi mang thai đã bị bệnh tăng huyết áp, thai phụ đang mắc bệnh viêm thận mạn tính hoặc bệnh tiểu đường, thai phụ bị đa ối (nước ối quá nhiều) hoặc thai đôi.

Đôi khi thai phụ bị tăng huyết áp do chế độ dinh dưỡng không tốt kèm theo bị thiếu máu trầm trọng. Ngoài ra, có thể do di truyền hoặc tuổi của thai phụ đã ngoài 35...

Để chẩn đoán tăng huyết áp cần dựa vào chỉ số đo huyết áp lúc thai phụ đã được nghỉ ngơi ít nhất từ 10-15 phút và trước đó không ăn uống gì, nhất là các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá và thai phụ không có sự lo lắng hồi hộp.

Khi chỉ số huyết áp tâm thu trên 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90mmHg, được gọi là tăng huyết áp. Đối với thai phụ còn có một cách chẩn đoán khác, đó là khi huyết áp tâm thu tăng trên 30mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 15mmHg so với mức huyết áp đo được ở thời điểm trước khi mang thai, điều đó có nghĩa là thai phụ đã bị tăng huyết áp.

Thuốc trị tăng huyết áp tránh dùng cho thai phụ

Phụ nữ có thai bị tăng huyết áp cần đi khám để được dùng thuốc thích hợp.

Dùng thuốc như thế nào?

Để được sử dụng thuốc hạ huyết áp an toàn cho cả mẹ và thai nhi, đồng thời có hiệu quả, thai phụ bị THA cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch kết hợp với bác sĩ chuyên khoa sản.

Các thuốc ưu tiên chọn lựa hàng đầu trong điều trị THA cho mang thai phụ THA:

Thuốc methyldopa (aldomet):Đây là thuốc hạ áp tác động trên hệ thần kinh trung ương; được chỉ định điều trị bệnh tăng huyết áp nói chung và tăng huyết áp ở thai phụ.

Thuốc thường được trình bày ở dạng thuốc viên với hàm lượng 250mg hoặc 500mg. Liều lượng cụ thể phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Khi uống thuốc không được lái xe vận hành máy móc vì thuốc gây buồn ngủ. Ngoài ra khi dùng thuốc cần lưu ý, thuốc có thể gây chóng mặt, nhức đầu, khô miệng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc ngạt mũi ở một số trường hợp.

Thuốc labetalol (trandate):Là loại thuốc điều trị tăng huyết áp chẹn bê-ta, đồng thời ức chế thụ thể alpha ở mạch ngoại vi, từ đó sẽ làm giảm sức cản ngoại vi gây hạ huyết áp. Thuốc này chỉ nên dùng trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích có thể đạt được trội hơn nguy cơ có thể xảy ra với thai. Một số tác dụng phụ thường gặp như hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, nhức đầu...

Thuốc hydralazin (Apresolin): Là thuốc giãn mạch ngoại vi chọn lọc trên động mạch, làm giảm mạch cản bằng cách giảm trương lực cơ. Trong điều trị tăng huyết áp, giảm mạch cản sẽ dẫn đến giảm sức cản ngoại vi và làm hạ huyết áp. Loại thuốc này dùng an toàn cho thai phụ bị tăng huyết áp. Thuốc có cả dạng uống và tiêm tĩnh mạc. Tuy nhiên, dưới dạng thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch, dùng trong điều trị tăng huyết áp cấp ở phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp. Một số tác dụng phụ thường gặp như: Nhức đầu, sốt, buồn nôn, nôn, đau khớp, đau cơ...

Các thuốc hạ HA thuộc các nhóm sau đây không được dùng trong điều trị cho thai phụ THA:

Lý do là các thuốc này khi vào cơ thể sẽ vượt qua rau thai gây tác hại nguy hiểm cho thai nhi như hạ huyết áp, vô niệu, suy thận... và đặc biệt nghiêm trọng là có thể gây ra thai nhi bị dị dạng, quái thai, thậm chí làm cho thai nhi tử vong. Đó là các nhóm thuốc ức chế men chuyển (ACE) như captopril, enalapril... ; nhóm thuốc đối kháng canxi như nifedipin, amlodipin...; nhóm thuốc chẹn bê ta như atenolol, propanolol...; nhóm thuốc kháng thụ thể angiotensin như losartan, ibersartan… và nhóm thuốc lợi tiểu như furosemid, hydrochlorothiazid...

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi thai phụ bị THA là cả một vấn đề rất quan trọng không thể chủ quan, vì vậy, cần được thăm khám cẩn thận để bác sĩ chuyên khoa sản và chuyên khoa tim mạch có chỉ định có nên dùng thuốc hạ huyết áp hay không.

Tuyệt đối không tự động mua thuốc để tự điều trị hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác để mua thuốc điều trị là điều rất nguy hiểm cho tính mạng thai phụ và cả tính mạng thai nhi.

Trong quá trình sủ dụng thuốc cần theo dõi các bất lợi của thuốc có thể xảy ra để thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!