Tiến tới số hóa quá trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Thời sự - 03/29/2024

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tăng cường triển khai sử dụng Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em do Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức sáng nay (22/10) tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, giảm được tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi.

Tuy nhiên, hiện nay nước ta đang đổi mặt với nhiều thách thức. Điển hình là tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em ở miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3-4 lần vùng đồng bằng, tỷ lệ tử vong sơ sinh còn cao và giảm chậm.

Tiến tới số hóa quá trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, từ năm 2011-2014, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em ở 4 tỉnh gồm: Điện Biên, Hoà Bình, Thanh Hoá, An Giang. Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em được sử dụng như một công cụ để chăm sóc, theo dõi sức khoẻ liên tục cho bà mẹ, trẻ em trong thời gian mang thai, sinh đẻ, sau đẻ và đến khi trẻ được 6 tuổi.

Tiếp đó, Bộ Y tế đã nhân rộng Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em trên nhiều tỉnh thành; đồng thời, ban hành quy định về Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em trên phạm vi toàn quốc.

'Hiện Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch triển khai phiên bản điện tử sổ theo dõi bà mẹ trẻ em (Sổ Mẹ và Bé) vào hồ sơ theo dõi sức khoẻ cá nhân, tiến hành số hoá quá trình chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em' – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Tại Hội thảo, bà Iwama Nozomi – Phó Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, theo kinh nghiệm của Nhật Bản, đến nay đã có hơn 30 nước trên thế giới triển khai sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Tại Việt Nam, JICA đã hỗ trợ 4 tỉnh, thành phố triển khai Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Tới nay, Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em đã được sử dụng ở 54 tỉnh, thành trên cả nước.

Tiến tới số hóa quá trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em cùng miếng dán 'Tôi đang mang thai'

Đề cập cụ thể hơn về ý nghĩa của việc sử dụng Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam, ông Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà Mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, ở vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tử vong sức khoẻ bà mẹ, trẻ em lớn gấp 3 lần những khu vực khác. Thống kê cho thấy, mỗi ngày Việt nam có 40 trẻ sơ sinh tử vong và 2 bà mẹ không thể qua khỏi. Nếu sử dụng Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em hiệu quả, tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em sẽ được giảm thiểu.

Theo ông Trần Đăng Khoa, Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em như một cuốn nhật ký về sức khoẻ của trẻ từ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ cho đến khi trẻ 6 tuổi, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của các cơ sở y tế; đồng thời, cung cấp thông tin cần thiết về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

Đối tượng chính sử dụng sổ là các bà mẹ mang thai, các thành viên trong gia đình, cán bộ y tế. Sổ theo dõi sức khoẻ bà mẹ và trẻ em được sử dụng trong phạm vi toàn quốc gồm các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện, kể cả cơ sở y tế ngoài công lập, cơ sở y tế tại trường mầm non và mẫu giáo. Không chỉ vậy, sổ còn được sử dụng thay thế sổ khám bệnh, sổ y bạ, sổ khám thai, phiếu tiêm chủng cho phụ nữ có thai và trẻ đến 6 tuổi.

Tiến tới số hóa quá trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và đại biểu các tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Cũng theo ông Trần Đăng Khoa, hiện sổ điện tử theo dõi sức khoẻ bà mẹ trẻ em mang tên sổ 'Mẹ và Bé' đang được thực hiện ở Thái Nguyên. Trong năm nay, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em sẽ tích hợp kết nối sổ điện tử theo dõi sức khoẻ bà mẹ trẻ em vào hồ sơ sức khoẻ cá nhân nhằm tránh gây gánh nặng cho các cơ sở y tế.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!