Tiếp tục thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh thai

Thời sự - 11/24/2024

Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai...

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ trên 2%/năm 1993 xuống còn 1,14% năm 2019. Tổng tỷ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế (2019), mức sinh vẫn duy trì ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến.

Tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) năm 2019 là 14 trẻ tử vong trên 1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với cách đây 20 năm. Tỷ suất chết của trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) của Việt Nam năm 2019 là 21,0 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống, giảm hơn một nửa so với năm 1999 (56,9 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong/1000 trẻ sinh sống).

Năm 2019 tỷ số tử vong mẹ (MMR) là 46 ca trên 100.000 trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2018 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 65,5%.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh thai

Chủ động phòng tránh thai giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh con, phòng tránh tai biến sản khoa, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh TL

Cùng với đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019.

Các kết quả công tác DS-KHHĐ đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nhờ thành công của chương trình DS-KHHGĐ, đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) vẫn có xu hướng gia tăng. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng. Do đó, giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, thời gian qua, hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 vẫn còn chiếm 29,6%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thanh niên còn cao. Phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê thì cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

Xuất phát từ thực tế trên, theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau.

Từ đó, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.

Lợi ích của việc phòng tránh thai:

Chủ động trong việc sinh con:Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.

Tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục:Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỉ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng…

Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!