Vắc xin nội địa: Chờ tới quý II năm 2022
Chiều 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, đã được tổ chức.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Tại cuộc họp, liên quan đến vấn đề nghiên cứu, sản xuất vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị, 'chạy đua với thời gian' để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine COVID-19.
Hiện Việt Nam có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19, trong đó, 3 đơn vị đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật. Dự kiến, ngày 10/12, đơn vị NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine COVID-19 của Việt Nam.
'Nếu thuận lợi, phải đến quý II/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vaccine COVID-19; do đó, vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch; không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine COVID-19', Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế tiếp tục nỗ lực, khẩn trương thúc đẩy tối đa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực của các viện nghiên cứu, các đơn vị ở trong nước, dưới sự điều phối của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine; đồng thời đề nghị, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị thử nghiệm vaccine COVID-19.
Chiều 7/12, Việt Nam thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 7/12, Việt Nam thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh; nâng tổng số mắc lên 1.367 ca.
Bệnh viện đảm bảo phòng dịch COVID-19. Ảnh: Tạ Nguyên
Trong số này có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 19.806 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 158 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.915 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 3.733 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 7/12 có 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 1 lần trở lên là 15 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.224 ca.
Sau khi ghi nhận các ca mắc COVID-19 do lây nhiễm từ người cách ly tại TP Hồ Chí Minh, đến nay đã 5 ngày không ghi nhận thêm ca cộng đồng mới.
Học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh đi học trở lại sau thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19
Ngày 7/12, nhiều học sinh, sinh viên tại TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ học vì có liên quan đến các ca mắc COVID-19 mới tại TP Hồ Chí Minh.
Các trường học tăng cường biện pháp chủ động phòng chống dịch COVID-19.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 6, cho biết học sinh 4 trường tiểu học gồm trường Tiểu học Võ Văn Tần, Nguyễn Huệ, Lê Văn Tám và Bình Tiên đã trở lại học bình thường vào sáng nay (7/12). 'Riêng những học sinh nằm trong khu vực phong tỏa thì vẫn được nghỉ học', ông Lưu Hồng Uyên cho biết.
Theo phòng Giáo dục và Đào tạo quận 6, khi học sinh đi học lại, các trường phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như đo nhiệt độ, khử khuẩn, thực hiện đeo khẩu trang đúng quy định; đồng thời nhà trường cũng nghiêm túc tuân thủ khuyến cáo '5K' của Bộ Y tế.
Tương tự, hơn 2.000 học sinh trường THPT Trần Quang Khải (quận 11) cũng đã đi học trở lại từ ngày 4/12 sau khi phải nghỉ học vì có một học sinh học cùng lớp tiếng Anh với bệnh nhân 1349. Để an toàn cho học sinh đi học trở lại, nhà trường quán triệt thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như vệ sinh khử khuẩn, khẩu trang, đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay sát khuẩn…
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, gần 30.000 sinh viên của trường cũng đã quay trở lại trường vào ngày 7/12 sau một thời gian nghỉ phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên, đối với các trường hợp phải cách ly tại nhà, nhà trường yêu cầu các sinh viên này cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định về khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà theo quy định. Các trường hợp tự theo dõi tại nhà cần đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; không đến nơi tập trung đông người; hạn chế tiếp xúc; không tiếp xúc gần với người khác; ghi nhận nhật ký đi lại của mình ít nhất trong 28 ngày.
Bên cạnh đó, trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, sinh viên nghiêm túc, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Nhà trường cũng trang bị đầy đủ nước rửa tay, thiết bị y tế ở tất cả các khu vực. Tất cả sinh viên, cán bộ nhân viên khi vào trường sẽ được đo thân nhiệt và yêu cầu tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, đã có gần 170.000 học sinh, sinh viên tại TP Hồ Chí Minh phải nghỉ học vì có liên quan 4 ca mắc COVID-19 mới tại TP Hồ Chí Minh. Trong đó, 8.211 học sinh, 663 giáo viên, nhân viên từ cấp mần non đến THPT, có khoảng 160.904 sinh viên, 5.796 giảng viên, nhân viên của các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học nghỉ học và nghỉ dạy.
Trước tình hình dịch COVID-19, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, việc kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2020-2021 sẽ thực hiện theo phương châm 'học đến đâu sẽ kiểm tra đến đó'. Theo đó, thời gian tổ chức kiểm tra học kỳ 1 bắt đầu từ ngày 20/12 đến 5/1/2021.
Hơn 3.200 mẫu xét nghiệm liên quan đến 4 ca mắc COVID-19 đều âm tính
Ngày 7/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết đã lấy 3.263 mẫu xét nghiệm liên quan đến 4 ca mắc COVID-19 mới tại TP Hồ Chí Minh và đến nay tất cả các mẫu này đều có kết quả âm tính.
TP Hồ Chí Minh mở rộng xét nghiệm giám sát COVID-19 đối với các nhóm có nguy cơ cao. Ảnh: HCDC
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh COVID-19, đến nay TP Hồ Chí Minh ghi nhận 142 trường hợp mắc COVID-19. Từ ngày 2/12 đến nay, thành phố không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Hiện 109 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, còn 33 trường hợp đang điều trị.
Về triển khai các biện pháp phòng chống dịch, thành phố cũng đã lấy 3.263 mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với các ca dương tính mới (gồm BN 1342, 1347,1348 và BN 1349), trong đó có 861 trường hợp tiếp xúc gần (F1), 1.400 trường hợp tiếp xúc của F1 (F2) và 1002 trường hợp lấu mẫu giám sát. Tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong hoạt động giám sát, triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, thành phố sẽ mở rộng xét nghiệm giám sát các nhóm có nguy cơ cao; giám sát tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại thành phố, đã lấy mẫu xét nghiệm 10.632 trường hợp, trong đó có 19 trường hợp dương tính; giám sát và xét nghiệm đối với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung và người sau cách ly phòng chống COVID-19 trong tình hình mới.
Tặng gần 3.000 vé máy bay, vé xe miễn phí
1.152 vé máy bay, 1.848 vé ô tô khứ hồi sẽ được trao tặng sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động xa nhà hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đoàn viên bên gia đình và người thân.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố Chương trình 'Mang Tết về nhà' năm 2021 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty TNHH Nước Giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam, Hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội.
Chương trình hướng đến đối tượng là sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích xuất sắc trong học tập, sản xuất, cứu người, tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Hội... trong đó, ưu tiên các cá nhân đang học tập, làm việc tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, hộ khẩu thường trú tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc, chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai thời gian qua.
Sẽ có 6 chuyến bay khứ hồi (hai chuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội, bốn chuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng); 41 chuyến ô tô khứ hồi với điểm xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và điểm đến tại Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội được triển khai. Bên cạnh các vé máy bay và vé ô tô khứ hồi, chương trình cũng dành tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho đối tượng sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động xa nhà có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Các chuyến bay, chuyến xe sẽ khởi hành theo hai đợt, tương ứng theo lịch nghỉ Tết của sinh viên và thanh niên công nhân, người lao động. Đợt một diễn ra ngày 2/2/2021 (tức ngày 21/12 âm lịch), đợt hai vào các ngày 8 và 9/2/2021 (tức ngày 27 và 28/12 âm lịch). Các chuyến bay, chuyến xe sẽ tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Đối tượng được xét chọn tham gia chương trình là sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động đang học tập, lao động tại một số tỉnh, thành phía Nam và có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đặc biệt, thanh niên công nhân, người lao động được xét chọn tham gia chương trình sẽ được Ban Tổ chức tặng kèm vé cho gia đình (vợ/chồng và các con) về quê cùng đón Tết.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!