Sưởi than theo phong tục sau sinh, sản phụ tử vong thương tâm
Sản phụ mới sinh con đã tử vong do sưởi than, bị ngạt khí CO. (Ảnh minh họa)
Sản phụ N.T.L (SN 1995, ở thôn Tân Lập, xã Trang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) mới sinh con được 1 tuần tuổi. Trong khoảng 1 tuần nay, sản phụ được người nhà đốt lò than trong phòng để sưởi. Trong thời gian này, sản phụ có biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém.
Sáng 19/11, sản phụ hôn mê bất tỉnh nên gia đình đưa tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để cấp cứu. Tại đây, sản phụ được xác định đã hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, chẩn đoán ngộ độc khí CO, tình trạng nguy kịch.
Tối cùng ngày, chị L tử vong. Rất may mắn, cháu bé sơ sinh được người nhà bế ngủ ở phòng khác nên may mắn thoát nạn.
Bộ Y tế yêu cầu hạn chế thấp nhất tử vong do Whitmore
Bệnh Whitmore tuy ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao. (Ảnh minh họa)
Từ đầu tháng 10/2020 đến nay, tại các tỉnh Miền Trung ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Melioidosis hay bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Sau mưa lũ, vệ sinh môi trường tại vùng dân cư bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore.
Để chủ động có các biện pháp phòng chống hiệu quả đối với bệnh Melioidosis ở 9 tỉnh miền Trung, cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới.
Các địa phương thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị trên địa bàn tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các vùng nguy cơ cao, đã có bệnh nhân mắc Whitmore. Tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Whitmore. Đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, đặc biệt chú ý các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị y tế tổ chức điều tra, phân tích dịch tễ các trường hợp mắc bệnh Whitmore, phân tích nguy cơ và các biện pháp phòng chống. Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore để người dân hiểu, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.
Quảng Ngãi: Kiến ba khoang lại hoành hành
Khoảng 1 tháng qua, kiến ba khoang xuất hiện ở nhiều địa phương của Quảng Ngãi. Không ít người bị dính độc tố của kiến ba khoang gây sưng tấy, mụn mủ, phồng rộp, hoại tử da.
Bác sĩ chuyên khoa da liễu Mai Văn Bắc - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết trên Kinh tế đô thị: Trong một tháng qua, một nửa số lượng bệnh nhân đến phòng khám da liễu liên quan đến kiến ba khoang.
Bắt đầu từ mùa mưa là mùa sinh sản của kiến ba khoang. Buổi tối kiến theo ánh sáng bay vô nhà bám vào quần áo, gường chiếu, bàn ghế… Mọi người dùng tay giết hoặc vô tình đụng chạm vào kiến, khiến độc tố trong cơ thể kiến tiết ra gây tổn thương vùng da bị tiếp xúc.
Theo bác sĩ, cách xử lý tốt nhất là rửa sạch vùng da vừa tiếp xúc với kiến càng nhanh càng tốt bằng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc xà phòng dịu nhẹ để trung hòa hoặc giảm bớt độc tố thẩm thấu nhanh vào da, hạn chế sự kích ứng trên da. Nếu không rửa sạch sẽ khiến viêm da, da đỏ, có dịch tiết kèm theo vết trầy loét, mụn nước nhỏ, tùy theo mức độ bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!