Bé gái song sinh chào đời còn nguyên trong bọc ối
Em bé chào đời còn nguyên trong bọc ối. (Ảnh: BV)
Bé gái là con của sản phụ Nguyễn Thị T. (SN 1993, trú tại Thanh Hóa). Chị T. mang song thai, nhập viện Phụ sản Hà Nội ở tuần thai thứ 36. Do có hiện tượng vỡ ối sớm, sản phụ được chỉ định mổ lấy thai.
2h ngày 22/11, bé gái đầu tiên vỡ ối, chào đời thuận lợi. Con nặng 1,8kg, khóc to, tình trạng khỏe mạnh.
Sau đó, bác sĩ tiến hành lấy bé gái tiếp theo. Tuy nhiên, trái ngược với người chị, em bé vẫn còn nằm nguyên trong bọc ối.
Kíp phẫu thuật đã khéo léo đưa cả túi ối an toàn khỏi bụng mẹ, sau đó tiến hành rạch bọc ối, để nước ối thoát ra dần và lớp màng ối được bóc ra khỏi người bé. Em bé nặng 2kg, khỏe mạnh, khóc tốt. Hiện sức khỏe của sản phụ và 2 bé đều ổn định.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ sơ sinh chào đời còn nguyên trong bọc ối là 1/80.000 ca sinh, trường hợp sinh đôi mà 1 trong 2 bé còn trong túi ối càng hiếm gặp hơn. Bởi khi trẻ sinh ra, túi ối thường vỡ dưới tác động của những cơn co bóp tử cung trong quá trình chuyển dạ của người mẹ, hoặc các thao tác chuyên môn khi phẫu thuật.
Dân gian gọi những trường hợp chào đời trong túi ối còn nguyên là 'đẻ bọc điều', dấu hiệu của sự may mắn. Em bé được cho rằng sẽ có đất trời che chở, gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống sau này.
Bé trai 22 tháng tuổi bị 2 viên bi ghim chặt trong ruột hơn 6 tháng
Hai viên bi được lấy ra khỏi ổ bụng với lực hút siêu mạnh (Ảnh: BV)
Bệnh nhi nhập bệnh viện Nhi đồng (TP.HCM) với triệu chứng ho đàm, dần sốt cao, ói và tiêu lỏng từng đợt, quấy khóc nhiều, bú kém, bé được người nhà đưa đến bệnh viện với tình trạng bụng đau, phình nhẹ.
Sau khi được điều trị viêm hô hấp và rối loạn tiêu hoá trong nhiều ngày không đỡ, bệnh nhi được chụp chiếu phim Xquang kiểm tra thì phát hiện hai dị vật cản quang tròn nhỏ nằm gói gọn trong lòng bụng, khu vực ruột non.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, cách đó sáu tháng bệnh nhi có chơi một số viên bi nam châm hình dạng tương tự, nhưng người nhà thấy có nguy cơ hóc nuốt sặc nên đã dẹp bỏ đồ chơi này hơn sáu tháng nay.
Hai viên bi trong mô hình lắp ráp là nam châm nên hút chặt nhau, không thể ra ngoài theo cách tự nhiên, 2 viên bi nam châm nằm ở 2 khoang ruột khác nhau đã hút 2 đoạn ruột lại với nhau, dần dần xuyên thành và bi mạc treo ruột bao lại, doạ tắc và nguy cơ hoại tử ruột nếu không được chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời.
Ngay lập tức, ê-kíp phẫu thuật gồm ThS.BS.CK2 Tạ Huy Cần, trưởng khoa Ngoại Tổng Quát đã nội soi xử lý gắp hai viên bi này ra.
Sau hơn 2 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Bé trai chảy máu mũi liên tục do xúc xắc nằm trong mũi
Các bác sĩ của bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa gắp ra dị vật là một cục xúc xắc ở cửa mũi sau của bé trai 6 tuổi.
Được biết trước đó, bé trai N.M.N. (6 tuổi, ngụ tại TP.HCM) liên tục chảy máu mũi nhiều lần nên được gia đình cho đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Sau khi thăm khám và chụp CT-Scan, bác sĩ thấy mũi bên phải của bé có khối tổn thương u sùi gây bít tắc hoàn toàn hốc mũi phải, chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Các bác sĩ Khoa Tai Mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã nội soi thám sát và bất ngờ lấy ra được dị vật mũi là cục xúc xắc (xí ngầu) bị vùi trong khối u sùi dễ chảy máu.
Bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ trẻ bị dị vật mũi, người nhà nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám lấy dị vật.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!