Nói ra thì thật xấu hổ nhưng sống với anh ấy tôi lúc nào cũng cảm thấy nơm nớp. Ngày nào anh ấy cũng... đòi, kể cả khi tôi đang kỳ “đèn đỏ”. Có lần cả nhà đang ăn cỗ, anh ấy gọi tôi vào bếp, để... chiến. Tôi không bao giờ dám mặc đồ ngủ, đồ ngắn trong nhà bởi nếu thế là bị... vồ ngay. Xin hỏi có phải chồng tôi là người bệnh hoạn không? Làm thế nào để anh ấy thành người đàn ông bình thường?
Nguyễn Minh H. (Hải Phòng)
Chúng tôi mang theo những thắc mắc đó của bạn đọc báo Sức khỏe&Đời sống đến gặp chuyên gia của chuyên mục Câu chuyện giới tính, ThS.BS. Nguyễn Thế Lương. Cần nói thêm là bức thư khá dài, với nhiều tình tiết mà người đọc cũng hơi... đỏ mặt; với những câu hỏi khá độc đáo mà chuyên mục có thể sẽ giải đáp trong một kỳ báo khác.
Tư vấn: ThS.BS. Nguyễn Thế Lương Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội
Thưa anh, câu chuyện như của người phụ nữ trong bức thư này hình như không phổ biến ở ngoài đời. Anh đã từng điều trị ca nào thế chưa?
Có chứ. Nhất là bệnh nhân nữ, sợ lắm. Họ chỉ muốn... ăn thịt bác sĩ thôi.
Theo như chị Minh H. mô tả thì có thể chẩn đoán, chồng chị mắc bệnh nghiện tình dục. Khoảng 8% nam giới và 3% nữ giới mang bệnh này. Đó là những người có cường độ tình dục cao bất thường hoặc có ham muốn thái quá không thể kiểm soát nổi, đến mức trở thành một dạng bệnh lý. Ám ảnh tình dục có xu hướng thống trị suy nghĩ của những người nghiện tình dục, khiến họ khó tập trung làm việc hoặc có các mối quan hệ cá nhân lành mạnh.
Khái niệm này được Patrick Carner đưa ra. Ông là người sáng lập trường đào tạo về tâm lý học của Hoa Kỳ và phụ trách một phòng thí nghiệm tại trung tâm sức khỏe ở Minneapolis. Ông viết nhiều cuốn sách về Nghiện (ma túy, cờ bạc, rượu, tình dục,...). Bệnh được phân chia thành chứng cuồng dâm - ở nam và chứng động tình - ở nữ.
Làm thế nào để biết được trong người mình đang có… bệnh?
Người ta, đặc biệt là đàn ông thường không nhận ra vấn đề khi còn trẻ, vì cứ ngỡ mình có sức khỏe tốt, lấy làm hãnh diện về “năng lực dồi dào” của một con đực mạnh. Những người này có thể quan hệ với nhiều người và có xu hướng ngày càng tăng, mặc dù ở nhà họ cũng đã thoả mãn với bạn tình.
Nếu bạn tự thấy có 3/6 triệu chứng lệ thuộc là đã thành bệnh: Thèm nhớ dai dẳng; dung nạp theo sự lũy tiến, lần sau cao hơn lần trước; không tự chủ, không nhịn được, không bỏ được; bỏ là khó chịu, gây nên hội chứng cai; xao nhãng các hoạt động quan trọng khác; tiếp tục lặp lại mặc dù biết rằng điều đó không tốt, bất chấp tai nạn nghề nghiệp, bất chấp các hậu quả về sức khỏe, tình cảm và pháp luật.
Mang bệnh, người ta sẽ có xu hướng muốn thủ dâm nhiều lần, luôn bị ám ảnh và thích tranh ảnh “mát mẻ”, phim gợi dục, thích đi massage, gội đầu trá hình, ngoại tình với nhiều người cùng lúc. Bệnh nặng hơn là tật thích nhìn trộm, phô bày cơ quan sinh dục, quấy rối tình dục theo nhiều kiểu, lạm dụng tình dục, bạo hành tình dục,...
Người nghiện có tính cách tò mò và các biểu lộ gần giống như những đứa trẻ. Tất cả những gì họ thực sự muốn là yêu thương và thoải mái. Nhưng trên thực tế, họ thường bị mọi người đánh giá như những kẻ chơi bời, phóng đãng, đồi bại.
Nghĩa là họ đáng thương chứ không... đáng sợ? Bác sĩ có thể phác thảo một vài chân dung bệnh nhân? Họ là ai?
Đó là những thanh thiếu niên suốt ngày đầu óc bị nhàu nát trong những ám ảnh về chuyện đàn ông đàn bà; là những cô cậu mải sưu tầm và lưu trữ những hình ảnh khiêu dâm đầy ắp điện thoại di động; là người bị phá sản sau khi đã nướng hết vào những cuộc truy tìm thú vui liên tục; là người đã mất việc vì bê trễ trong giờ làm để tìm kiếm các cuộc phiêu lưu tình ái; là kẻ đã bỏ bê gia đình để vùi đầu vào đọc sách báo khiêu dâm; là kẻ thủ dâm đến độ tự gây thương tích cho mình, phải thường xuyên đến bệnh viện để chữa; là thủ phạm cưỡng dâm trẻ em; là người ép buộc người bạn đời yêu liên tục bất chấp tâm trạng và sức khoẻ - chính là trường hợp của chị Minh H...
Những người đàn ông và phụ nữ tự hủy hoại mình ấy bị đau đớn về thể xác và dằn vặt về tinh thần như dân nghiện đang vã thuốc. Họ đầu hàng trước dục vọng, hy sinh tiền bạc, gia đình, công việc, phẩm giá, kéo lê cuộc đời vào những canh bạc đuổi theo thú vui xác thịt. Họ chính xác là nô lệ của tình dục.
Nhưng không phải... bỗng dưng người ta mắc nghiện chứ ạ? Bệnh này có mang tính di truyền không, thưa bác sĩ?
Nghiện tình dục là một tính trạng nhưng có nhiều gene, cơ chế di truyền rất phức tạp, không đơn giản theo quy luật Menden như các loại gen di truyền khác.
Nguyên nhân bệnh là do một tổ hợp: Điều kiện sống, môi trường và di truyền. Những người nghiện tình dục thường có căn nguyên từ nhỏ và giai đoạn dậy thì. Hay gặp ở những thanh thiếu niên lớn lên trong môi trường gia đình đầy bất hòa hoặc thiếu quan tâm giáo dục.
Vì vậy, thủ dâm là cách để tự thoả mãn và cảm thấy được giải thoát khỏi tình trạng đó. Thủ dâm dần trở thành một loại “thuốc giảm đau an thần”. Và rồi thủ dâm cũng không “đủ liều”, họ ngày càng cần quan hệ tình dục thật sự và thật nhiều.
Một dạng khác là những người bị lạm dụng tình dục hoặc có trải nghiệm tình dục lần đầu không do tình cảm lứa đôi (bị quan hệ tình dục với một người quen, người giữ trẻ, bà chủ, người giúp việc...). Trong hoàn cảnh ấy, ngoài sự tò mò tự nhiên và cảm giác mới mẻ, họ còn có mặc cảm sợ hãi và tội lỗi. Khi lớn lên, mức độ đòi hỏi được đáp ứng tình dục ngày một cao hơn và nhiều hơn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy gần 60% những người nghiện tình dục bị lạm dụng tình dục lúc nhỏ.
Có thể chữa khỏi bệnh hay không, thưa bác sĩ?
Khó nhất là mang bệnh mà không tự biết thôi. Còn khi người ta biết mình có bệnh, tự giác điều trị bằng cách tìm đến bác sĩ là đã thành công 50%.
Mặc dù khó khăn nhưng nghiện tình dục hoàn toàn có thể chữa khỏi. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tình dục học sẽ giải quyết những ca này. “Con nghiện” cũng phải trải qua các bước tương tự như điều trị nghiện rượu. Điều thuận lợi ở người nghiện tình dục là khi “cai nghiện”, họ không bị những biểu hiện thực thể của hội chứng cai (tiêu chảy, co giật, nôn ói,...).
Nếu biết vi tính và ngoại ngữ, người bệnh có thể tìm thấy sự giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm điều trị theo 12 bước trên internet với các nhóm Addicts Anonymous (SAA),.. Tâm lý trị liệu giúp đương sự hiểu được các động lực và hoàn cảnh gây ra nghiện. Nhất là giúp nhận thức được hằng ngày các yếu tố nào khiến họ bị kích thích.
Đồng thời giúp đương sự lấy lại sự tự tin, cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội và tìm ra những cách khác nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục. Liệu pháp hành vi áp dụng trong 6 tuần giúp phân tán... sức khỏe.
Chẳng hạn như những bài luyện tập kiểu nhà binh. Hay những bài tập thiền, Yoga để cân bằng âm - dương và giảm sự hưng phấn quá mức. Thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm và kháng androgen có thể được sử dụng để chữa trị các bệnh lý tâm thần kết hợp (tâm thần phân liệt, rối loạn trầm cảm...).
Bệnh sẽ được chữa dứt nếu có đủ 3 yếu tố: nhận thức của bệnh nhân, liệu pháp tâm lý và sự đồng thuận giúp đỡ từ gia đình, bạn bè.
Phương pháp của Patrick Carner và bác sĩ đồng nghiệp Mark Lasser: Kế hoạch “ép dục” được tiến hành theo các bước * Tập thể liệu pháp (Họ sẽ được ghép vào trong một tập thể để ít có cơ hội thực hiện ham muốn).
Lần lượt kiểm điểm, thú nhận những tội lỗi xấu xa, bỉ ổi đã mắc phải, thành tâm ăn năn sám hối, cấm ra ngoài bệnh viện và hoàn toàn “trai giới” trong 3 tháng. * Củng cố niềm tin lâu dài. * Lao động, dạo chơi, thư giãn. * Viết nhật ký để tự xem xét, đánh giá sự thay đổi của bản thân.
Tốt nhất bao giờ cũng là phòng bệnh. Ngăn chặn một con bệnh trong tương lai, phải từ mỗi gia đình. Cha mẹ cần kiểm soát các mối quan hệ của con mình cũng như quản lý việc sử dụng máy tính và vào mạng internet, đặc biệt từ khi chúng bước vào tuổi vị thành niên.
Cài các phần mềm chống web đen là một giải pháp. Nhưng quan trọng hơn cả là hướng bọn trẻ tham gia những hoạt động xã hội (rèn luyện kỹ năng sống, khám phá giá trị bản thân, hoạt động thể dục thể thao, tham gia các chương trình giao lưu học hỏi, hoạt động từ thiện,...).
Tình dục là một lạc thú của đời người. Vì thế chắc khả năng tái nghiện cũng không thấp?
Dĩ nhiên, nếu người ta không vượt qua được cơn yếu đuối của mình. Theo thực tế điều trị của chúng tôi, khả năng tái nghiện là khá cao. Nếu điều trị chỉ bằng thuốc, bệnh lui rất nhanh nhưng ngừng thì bệnh trở lại cũng nhanh không kém.
Một vài lời khuyên của bác sĩ: Luôn nên coi mình như người lành mang mầm bệnh, dù đã được chữa khỏi. Quan trọng nhất là làm cho mình trở thành người bận rộn (con ong chăm chỉ không có thì giờ để buồn), có nhiều bạn bè chia sẻ các thú vui lành mạnh ngoài công việc. Lúc rảnh đọc sách hoặc dành thời gian ngẫm lại những phút giây quá đà trước đây. Đừng bao giờ uống quá say, sẽ mất tỉnh táo, khó kiểm soát bản thân.
Cảm ơn bác sĩ!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!