Ho gà ở trẻ là bệnh thường gặp khá nhiều ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ. Nhưng thực tế cho thấy không có nhiều các ông bố bà mẹ có các kiến thức cần thiết trong việc đề phòng và điều trị ho gà ở trẻ nhỏ. Một trong những thắc mắc mà chúng tôi thường xuyên nhận được đó chính là trẻ bị ho gà bao lâu thì khỏi. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp và cung cấp cho các bậc phụ huynh những thông tin cần thiết về bệnh ho gà ở trẻ nhỏ.
Bệnh ho gà là gì?
Ho gà là căn bệnh hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Bệnh bắt đầu với triệu chứng ho từng cơn kế tiếp nhau với mức độ ngày càng tăng khiến người bệnh ho đến tím tái mặt mày. Khi hít vào thở ra nghe như tiếng gà gáy.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh ho gà nhất vì hệ miễn dịch còn rất non nớt, đồng thời do chưa tiêm chủng hết các loại vắc-xin. Bệnh này có thể gây tử vong, chủ yếu là ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Triệu chứng của bệnh ho gà
Triệu chứng giai đoạn đầu
Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng giống như cảm lạnh và có thể ho nhẹ hoặc sốt. Với trẻ sơ sinh, ho có thể là rất ít hoặc thậm chí không có hiện tượng ho. Trẻ sơ sinh có thể xuất hiện một triệu chứng gọi là “ngưng thở”. Ngưng thở là sự dừng lại tạm thời trong quá trình hít thở của trẻ.
Bệnh ho gà rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh. Theo số liệu thống kê, có khoảng một nửa số trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi bị ho gà cần được chăm sóc tại bệnh viện. Và vấn đề trẻ bị ho gà bao lâu thì khỏi sẽ phụ thuộc tình trạng và thời gian phát hiện bệnh sớm hay muộn.
Các triệu chứng ban đầu có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần và thường bao gồm:
- Sổ mũi
- Sốt nhẹ (thường là ở mức tối thiểu trong suốt quá trình diễn biến bệnh)
- Ho nhẹ hoặc thi thoảng cơn ho mới xuất hiện
- Ngưng thở – dừng thở tạm thời (ở trẻ sơ sinh)
Ho gà ở giai đoạn đầu dường như không có gì khác biệt so với bệnh cảm thông thường. Do đó, các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ thường không nghi ngờ hoặc chẩn đoán bệnh ho gà đến khi các triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện.
Triệu chứng giai đoạn sau
Sau 1 đến 2 tuần khi bệnh tiến triển, các triệu chứng đặc trưng của ho gà có thể xuất hiện, bao gồm:
- Chất nhầy dày đặc bên trong đường hô hấp (họng, mũi)
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Da mặt tái xanh hoặc chuyển đỏ
- Toàn thân mệt mỏi, kiệt sức
- Khó thở, thở hổn hển.
Đối với trẻ em thì giai đoạn này có thể không thấy trẻ bị ho mà thay vào đó nó gây ngừng thở và sắc mặt chuyển tái xanh bởi vậy cha mẹ cần chú ý đến những triệu chứng ở trẻ để có hướng điều trị kịp thời
Trẻ bị ho gà bao lâu thì khỏi?
Quá trình phục hồi bệnh ho gà ở trẻ có thể xảy ra chậm và khó xác định chính xác trẻ bị ho gà bao lâu thì khỏi. Nó tùy thuộc vào tình trạng bệnh, sức đề kháng của mỗi trẻ và phương pháp điều trị cho từng bé. Thông thường, nếu được điều trị đúng cách, thì sau khoảng 3 tuần chữa trị, tình trạng bệnh ho gà ở trẻ mới có thể chấm dứt.
Cách điều trị bệnh ho gà ở trẻ
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi mắc bệnh ho gà nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra các biến chứng rất nguy hiểm. Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà mà trẻ có thể gặp đó là: xẹp phổi, viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu oxy não, biến chứng viêm não, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong do suy hô hấp,... Do đó, cha mẹ cần sớm nhận biết bệnh ho gà ở trẻ và có hướng điều trị cho bé càng sớm càng tốt.
- Đối với những trẻ lớn mắc bệnh ho gà và chưa có biến chứng sẽ được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong vòng 10 – 14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng các thuốc an thần, thuốc giảm ho, long đàm, kháng histamine,... bởi chúng không có hiệu quả mà có thể gây nguy hiểm.
- Còn đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì cần đưa vào bệnh viện để theo dõi tại phòng cấp cứu đặc biệt và điều trị nội trú tại bệnh viện.
Điều trị bằng thuốc: Erythromycine 30 – 50 mg/kg/24 giờ chia 4 lần uống hoặc Cotrimoxazole 30 – 50 mg/kg/24 giờ; kèm theo Prednisolone 1 – 2 mg/kg/ngày; Salbutamol 0,2 mg/kg/ngày. Đối với trẻ sơ sinh chống chỉ định với Cotrimoxazole.
Cách chăm sóc trẻ bị ho gà
- Cha mẹ cần chú ý vệ sinh răng miệng và mũi họng sạch sẽ cho trẻ bằng nước muối sinh lý và giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
- Nên giữ ấm cho cơ thể tránh để trẻ bị lạnh đột ngột.
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ đế tránh tình trạng suy nhược cơ thể và tăng cường sức đề kháng cho trẻ giúp phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Các mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu và có thể chia bữa ăn thành các bữa nhỏ, cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày để giúp trẻ dễ ăn hơn. Bên cạnh đó, đừng quên cho trẻ uống nhiều nước hơn để tránh mất nước.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và khói bếp vì sẽ khiến chứng ho trở nên trầm trọng hơn. Chú ý giữ môi trường xung quanh thoáng mát và sạch sẽ.
Cha mẹ nên nhớ rằng bệnh ho gà có khả năng lây lan cao, do đó cần cho trẻ cách ly, hạn chế tiếp xúc với nhiều người. Người thân nếu chăm sóc trẻ cần được điều trị dự phòng bằng thuốc kháng sinh để tránh nguy cơ mắc bệnh và lây lan.
Trương Thủy
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!