Triệu chứng ADHD ở người lớn khác gì so với trẻ em?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Triệu chứng rối loạn tăng động giảm chúý (ADHD) ở trẻ em khác với ở người lớn, kể cả người đã mắc bệnh từ nhỏ và khi lớn mới được chẩn đoán.

Triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em khác với ở người lớn, kể cả người đã mắc bệnh từ nhỏ và khi lớn mới được chẩn đoán. Cùng có các triệu chứng chính như mất tập trung, tăng động và bốc đồng nhưng những biểu hiện và ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống của 2 đối tượng này không giống nhau.

Dưới đây là so sánh về 3 triệu chứng trên ở trẻ em và người lớn:

Tăng động

Triệu chứng ở trẻ

- Trẻ tăng động thường được mô tả bằng trạng thái chuyển động liên tục giống như ‘chạy bằng động cơ’. Ngoài ra, trẻ có thể:

- Chạy nhảy, leo trèo quá nhiều, ngay cả khi không thích hợp trong tình huống đó

- Sốt ruột, ngọ nguậy liên tục, cần có gì đó trong tay để chơi

- Trong lớp thường xuyên đứng dậy vào những lúc lẽ ra cả lớp phải ngồi, đánh rơi bút, gây xao nhãng bằng cách di chuyển xung quanh

- Không thể ngồi yên, gặp khó khăn khi chơi những trò cần ngồi lâu, không thích tham gia những hoạt động yên tĩnh

- Nói nhiều

Triệu chứng ADHD ở người lớn khác gì so với trẻ em?

Trẻ mắc ADHD thường cảm thấy sốt ruột, ngọ nguậy liên tục, cần có gì đó trong tay để chơi (Ảnh minh họa: Internet)

Triệu chứng ở người lớn

- Tăng động ở người lớn vượt cả ngưỡng ‘chạy bằng động cơ’ và được thay bằng cảm giác không ngừng nghỉ. Một số biểu hiện khác gồm:

- Muốn cử động liên tục như vỗ bàn chân, nghịch bút, vẽ linh tinh

- Dễ chán, chuyển hết việc này sang việc khác vì thấy chán khi đã nắm bắt được công việc. Bỏ dở công việc và chỉ hoàn thành nếu có hứng thú cao.

- Không nghỉ ngơi. Vẫn gặp khó khăn khi ngồi một chỗ trong thời gian dài. Cảm thấy cần đứng dậy, đi lại sau khi ngồi vài phút. Thích hoạt động và công việc cần chuyển động.

- Bị cuốn hút bởi những hoạt động năng động, mạo hiểm, tốc độ cao.

Mất tập trung

Cụm từ ‘dễ bị phân tán’ được dùng để mô tả triệu chứng này ở cả người lớn và trẻ em mắc ADHD vì biểu hiện khá tương đồng.

Triệu chứng ở trẻ:

- Mắc lỗi do cẩu thả ở trường

- Không để ý đến chi tiết

- Có quãng tập trung ngắn so với trẻ khác cùng tuổi, né tránh những hoạt động cần tập trung ổn định và nỗ lực tâm thần (ví dụ: bài tập về nhà hoặc bài tập trên lớp).

- Có biểu hiện không nghe khi người khác nói chuyện cùng

- Không hoàn thành bài tập về nhà, dễ mất tập trung, chuyển từ việc này sang việc khác

- Gặp khó khăn với kỹ năng sắp xếp

- Hay mất đồ

- Hay quên

Triệu chứng ở người lớn

Triệu chứng ADHD ở người lớn khác gì so với trẻ em?

Người lớn mắc ADHD dễ bị phân tán (Ảnh minh họa: Internet)

- Hàng ngày hay mất và để đồ nhầm chỗ như chìa khóa, giấy tờ quan trọng

- Hay quên ngay cả những việc phải làm thường xuyên như đổ rác, đón con

- Không làm xong việc

- Dễ bị phân tán, có thể bắt đầu một việc, bị phân tán rồi bắt đầu việc khác và quên mất việc lúc đầu

- Khó khăn trong việc theo dõi hội thoại

- Gặp vấn đề với tự cử động

- Không theo dõi được thời gian

Bốc đồng

Trẻ bị bốc đồng thỉnh thoảng có biểu hiện thô bạo và gặp các vấn đề hành vi. Bốc đồng có thể gây khó khăn cho trẻ trong việc kết bạn và duy trì tình bạn.

Ở trẻ em, bốc đồng có thể xuất hiện theo những cách sau:

- Thỉnh thoảng lại bật ra câu trả lời hoặc bình luận trong các cuộc trò chuyện, hét lên câu trả lời trong lớp mà không giơ tay

- Gặp vấn đề chờ đến lượt mình như chen lấn khi xếp hàng mua đồ hoặc không muốn chờ đến lượt mình khi đang chơi chung

- Hay chen ngang người khác, nhảy bổ vào cuộc nói chuyện hay trò chơi mà những trẻ khác đang chơi

- Hành động mà không nghĩ đến nguy cơ như nhảy từ trên cao xuống hoặc chạy ra đường mà không nhìn

Ở người lớn, bốc đồng có biểu hiện như sau:

- Tiêu tiền ‘bạt mạng’, làm thâm hụt ngân quỹ gia đình

- Tham gia hành vi mạo hiểm như đua xe, đánh bạc, tình dục không an toàn

- Xen ngang khi người khác đang nói chuyện hoặc trả lời trước khi câu hỏi được nêu xong

Bật ra những bình luận hoặc suy nghĩ mà không nghĩ ngợi gì ngay cả khi đó là những bình luận phản cảm và có thể làm tổn thương người khác.

>> Xem thêm:
Rối loạn tăng động thiếu tập trung (ADHD): Đâu chỉ có ở trẻ
Chuyên đề video về chứng Tăng động giảm chú ý (ADHD)

Ngọc Hòa (Healthcentral)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!