Tự chữa bệnh: Giảm ảo, tăng thật

Sống khỏe mạnh - 03/29/2024

Rèn luyện sức khỏe luôn là rất tốt, nhưng khi có bệnh, người dân không nên tin tưởng vào các phương pháp tập luyện, điều trị bệnh không có cơ sở khoa học.

Đặc biệt là việc tùy tiện sử dụng thuốc giảm đau nhằm “xóa bỏ” cảm giác khó chịu, khiến người bệnh thêm chủ quan, chỉ đến lúc bệnh tăng nặng không thể giảm đau được thì đã muộn...

Đột quỵ vì bỏ thuốc… đi tập

Giữa tháng 6/2019, kíp trực cấp cứu của BV Trung ương Quân đội 108 (BV 108) tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị M. (69 tuổi) bị đột quỵ tắc mạch não. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, liệt hoàn toàn nửa người phải, rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp. Chụp cắt lớp vi tính dựng mạch máu não, các bác sĩ phát hiện tắc động mạch não giữa bên trái. Các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ chẩn đoán đây là một trường hợp nhồi máu não cấp do huyết khối từ tim trong thời gian cửa sổ 3 giờ đầu.

Điều đáng nói là bà M. có tiền sử rung nhĩ, thay van hai lá cơ học 5 năm, đang điều trị và phải thường xuyên dùng thuốc chống đông đường uống. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân cho biết, không hiểu bà M. đã nghe ai để theo học “giáo phái lạ” 3 tháng nay và bỏ thuốc khoảng 1 tuần vì tin rằng “tập cái này không cần dùng bất cứ loại thuốc nào”.

Các bác sĩ đã phải rất vất vả để cấp cứu, sau xử trí kịp thời, bệnh nhân phục hồi tốt, tỉnh dần, nói được, hiểu lời, nửa người phải vận động tốt. BS. Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ của BV cho biết, đây là một trường hợp đột quỵ tắc mạch não do ngừng thuốc chống đông ở bệnh nhân van tim cơ học. Việc ngừng thuốc này có thể dẫn đến hiện tượng kẹt van tim, gây đột tử hoặc đột quỵ não tắc mạch do cục máu đông hình thành từ tim di chuyển lên não. Bà M. may mắn do sau đột quỵ được đưa sớm đến cơ sở y tế có đầy đủ các trang thiết bị phương tiện cấp cứu và điều trị. Nếu không được cấp cứu sớm, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật nặng nề.

Trước đó, BS. Đào Bách Khoa, Trưởng khoa Nhiễm A, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, Khoa Nhiễm A đang điều trị cho hơn 10 ca bùng phát viêm gan B, trong đó 60% bùng phát do bệnh nhân tự ngưng thuốc.

Theo BS. Khoa, nhiều người dân hiểu chưa đúng về bệnh viêm gan B nên tự ý bỏ điều trị thuốc ức chế virut viêm gan B, tìm đến các loại thuốc lá, cây cỏ theo lời chỉ dẫn của những người không có chuyên môn hoặc theo các thông tin quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng. BS. Khoa bộc bạch, cho đến nay vẫn chưa có thử nghiệm lâm sàng nghiêm túc nào chứng minh được các thuốc thảo dược ức chế virut viêm gan B hiệu quả. Vì thế, hầu hết các trường hợp khi ngưng thuốc ức chế virut đang uống đều bị bùng phát viêm gan b nặng dẫn đến suy gan, xơ gan rất nhanh.

Tự chữa bệnh: Giảm ảo, tăng thật

Nhiều bệnh nhân bị tình trạng tăng nặng do tự ý bỏ thuốc hoặc lạm dụng thuốc giảm đau.

Hôn mê vì mải... giảm đau

Việc tự ý dùng thuốc không có cơ sở và đặc biệt là thuốc giảm đau để bớt đi cảm giác luôn mang lại những hệ lụy đáng tiếc. Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BV Nhân dân 115 TP.HCM) đã cấp cứu thành công ca bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào, đó là bệnh nhân M.V.V (54 tuổi, ngụ An Giang) bị hôn mê gan - một biến chứng rất nguy hiểm của xơ gan. Bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm gan siêu vi B cách đây 2 năm rồi sau đó là xơ gan.

Tuy nhiên, ông đã tự uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc dẫn đến tình trạng đau lưng nhiều và được chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng. “Kiên trì” uống thuốc giảm đau, ông V. luôn có biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém, nôn ói nhiều, phản ứng chậm..., nên người nhà đưa tới BV để điều trị. Các bác sĩ chẩn đoán, ông V. hôn mê gan và xuất huyết tiêu hóa trên, đã tiến hành hồi sức tích cực và điều trị nội khoa, sau đó sức khỏe ông V. cải thiện rõ rệt, tỉnh táo.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2019, các y, bác sĩ BV Nhân dân 115 cũng đã phải xử lý cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân thoát vị đĩa đệm tự ý mua và uống thuốc giảm đau. Theo các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh của BV, có nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cố chịu đau và tự tìm đến thuốc giảm đau thay vì tới bệnh viện khám và điều trị.

Bởi họ không hiểu hết rằng chỉ tùy trường hợp nặng mới phải phẫu thuật, còn phát hiện sớm, tình trạng bệnh còn nhẹ thì hoàn toàn có thể điều trị bảo tồn. Thậm chí khi phải phẫu thuật thì hiện nay nhiều bệnh viện lớn với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và thiết bị y tế hiện đại, đã áp dụng phẫu thuật vi phẫu và phẫu thuật nội soi, có tỷ lệ tai biến thấp, vết mổ nhỏ, thời gian bệnh nhân hồi phục rất nhanh.

Thực trạng tự ý sử dụng thuốc giảm đau của người Việt Nam đã xuất hiện từ lâu. Khi đau đầu, cảm cúm, đau bụng, đau cơ, đau khớp... nhiều người có thói quen ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau để sử dụng mà không cần thăm khám hoặc mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc giảm đau có thể gây nhiều tác dụng phụ như có nguy cơ viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, thận... nhất là đối với những bệnh nhân đã có các bệnh khác.

Bên cạnh đó, nó không chỉ làm giảm chất lượng sống mà còn có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn cảm giác, tê bì chân tay, teo cơ, thậm chí bại liệt, tàn phế suốt đời.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, thuốc giảm đau chỉ an toàn và hiệu quả khi sử dụng theo đúng hướng dẫn. Ngoài ra, người dân không nên tin tưởng các phương pháp tập luyện, điều trị bệnh không có cơ sở khoa học. Rèn luyện sức khỏe là cần thiết nhưng cần có sự tư vấn của các nhà chuyên môn, nhân viên y tế. Khi có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sức khỏe không ổn, người dân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!