Tử vong vì nghe thông tin giả
Mới đây, Hãng thông tấn Iran đưa tin, đã có 44 người nước này tử vong do ngộ độc rượu sau khi có thông tin sai lệch rằng, uống rượu là phương pháp giúp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, tỉnh Khuzestan (Tây Nam Iran) là nơi có số người tử vong cao nhất với 36 người. Con số này gấp đôi số người tử vong do COVID-19 tại tỉnh này là 18 người. Trong khi đó, số người tử vong do ngộ độc rượu tại khu vực Alborz (ở miền Bắc) và Kermanshah (miền Tây Iran) lần lượt là 7 người và 1 người.
Nghe tin uống nhiều rượu có thể phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, 44 người ở Iran đã tử vong do bị ngộ độc (ảnh minh họa)
Các nhà chức trách cho biết, sau khi nghe thông tin uống nhiều rượu có thể chống lại virus gây dịch bệnh COVID-19, nhóm người này đã ra sức uống. Tuy nhiên, các nạn nhân đã uống phải rượu lậu dẫn đến tình trạng bị ngộ độc và tử vong sau đó.
Sự việc này như một hồi chuông cảnh báo về tác hại khủng khiếp của những thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có xu hướng lan rộng và diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, ThS Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, lợi dụng diễn biến của dịch bệnh còn nhiều phức tạp, có một số đối tượng thường xuyên đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận.
Thậm chí, có những đối tượng còn chia sẻ trên mạng xã hội những nội dung, hình ảnh giả, không đúng sự thật về các bệnh nhân mắc COVID-19... Điều này gây ra rất nhiều áp lực cho công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh.
Chọn lọc thông tin, thực hiện khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế
Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin, bài thuốc, sản phẩm được cho là 'thần dược' có thể đẩy lùi virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19. Nổi bật trong số đó là một loại thẻ đeo trên người được quảng cáo có tác dụng kháng khuẩn, ngăn sự xâm nhập của virus.
Theo các chuyên gia, loại thẻ đeo được quảng cáo có thể ngăn chặn virus gây dịch bệnh COVID-19 hoàn toàn không có tác dụng như đồn thổi. Ảnh:TL
Theo lời những người bán, sau khi đeo thẻ, người dùng có thể yên tâm khi đến những nơi công cộng để phòng chống lây nhiễm cúm. Ngoài ra, thẻ đeo chống virus còn giúp kháng khuẩn, khử mùi, làm sạch không khí trước khi vào cơ thể, an toàn cho mọi đối tượng, kể cả trẻ nhỏ, bà bầu…
Tuy nhiên, theo khẳng định của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh của Việt Nam (EOC) thì loại thẻ này không có tác dụng ngăn chặn virus SARS-COV-2 gây dịch bệnh COVID-19 như đồn thổi.
Hay một loạt các công thức chế biến các 'bài thuốc' chống dịch bệnh COVID-19 cũng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội mà không hề được kiểm chứng. Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), người dân cần cẩn trọng về những loại thức uống được người dùng mạng xã hội 'thổi phồng' thành bài thuốc đông y và đang trôi nổi trên mạng hiện nay. Đây là cách chữa bệnh không có căn cứ và cơ sở khoa học, không xuất phát từ cơ sở thực tế bệnh lý nên không thể có hiệu quả trong việc phòng hay chữa bệnh.
Trên thực tế, theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện chưa có loại thuốc đặc trị nào được xác nhận có khả năng phòng ngừa hoặc điều trị virus SARS-Cov-2 gây dịch bệnh COVID-19. Nhiều quốc gia đang nghiên cứu vaccine phòng bệnh nhưng quá trình thử nghiệm này sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể đưa vào sử dụng.
Hoặc mới đây nhất, thông tin 'chỉ cần 4-6 ngày để Việt Nam tăng từ 30 ca lên 100 - 500 ca COVID-19' gắn mác phát ngôn của một thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cũng được chia sẻ một cách chóng mặt trên mạng xã hội khiến dư luận hoang mang. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định, thông tin trên hoàn toàn là giả mạo.
Trước những luồng thông tin giả, lan truyền trên mạng xã hội, theo các chuyên gia, những thông tin giả còn đáng sợ hơn bệnh thật. Do đó, thay vì tin và nghe theo các nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang, mỗi người cần có ý thức tự phòng dịch bệnh, thực hiện theo các hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh được Bộ Y tế công bố.
Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thông tin có chọn lọc. Tránh những thông tin kích động, gây hoang mang về tình hình dịch hoặc làm theo những bài thuốc truyền miệng chưa được kiểm chứng để không gặp phải những vấn đề không mong muốn.
Để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần có lối sống lành mạnh, thực hiện chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và luôn cẩn trọng để tránh bị ốm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn để loại bỏ virus có thể đang bám trên tay.
Tránh tiếp xúc với người bị ho, sốt; không chạm tay vào mắt, mũi, miệng; hạn chế đến nơi đông người; dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay gập lại che miệng và mũi khi ho, hắt hơi, sau đó bỏ khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy ngay lập tức…
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!