Những biến đổi lớn ở tuổi vị thành niên
Lứa tuổi vị thành niên từ 10 - 19 tuổi. Ở giai đoạn này, các em có nhiều thay đổi từ sự phát triển cơ thể, rất thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới. Cụ thể, đối với nữ là sự phát triển chiều cao, cân nặng, tuyến vú phát triển, khung chậu phát triển… Đối với nam là sự phát triển chiều cao, cân nặng, thay đổi giọng nói (bể giọng, giọng nói ồ ồ), sau 18 tuổi giọng trầm trở lại. Lông trên cơ thể và mặt phát triển, xuất hiện lông ở bộ phận sinh dục.
Theo các bác sỹ, thời kỳ dậy thì chính thức ở nam và nữ chứng tỏ rằng bộ máy sinh dục đã trưởng thành, các em có khả năng thực hiện quan hệ tình dục, nam có thể làm cho nữ giới mang thai và nữ có thể có thai và sinh con.
Về tâm lý, lứa tuổi này cảm thấy mình không còn là trẻ con nữa. Muốn được đối xử như người lớn. Muốn thoát ra khỏi những ràng buộc của gia đình, thường xảy ra những xung đột giữa trẻ vị thành niên và cha mẹ. Quan tâm và có cảm giác lạ với người khác phái, yêu đương nông cạn, quan hệ tình dục không an toàn.
Tuy nhiên, lứa tuổi vị thành niên cũng dễ bị lôi cuốn bởi các chất kích thích, chất gây nghiện như: rượu, thuốc lá, ma túy. Do những thay đổi trên mà vị thành niên dễ bị dụ dỗ, mua chuộc, lường gạt, xâm hại và dễ bắt chước.
Đối với trẻ gái vị thành niên, việc quan hệ tình dục không an toàn, hậu quả mang thai sớm ngoài ý muốn dẫn đến dễ bị sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Do khung chậu phát triển chưa đầy đủ nên khi sinh dễ phải can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật. Nhiều trẻ khi mang thai đã tự đến các cơ sở y tế tư nhân để phá thai. Việc phá thai không an toàn có thể đưa đến các tai biến: choáng, chảy máu, nhiễm trùng, thủng tử cung, vô sinh…
Làm mẹ quá trẻ, cơ thể phát triển chưa đầy đủ dễ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển, dễ bị chết lưu. Tỉ lệ trẻ sinh ra thiếu cân, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh và tử vong cao hơn nhiều so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Trẻ vị thành niên mang thai phải nghỉ học, bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng tới tương lai.
Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên.
Tình dục thiếu an toàn dễ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm
Ngoài ra, ở lứa tuổi vị thành niên nếu quan hệ tình dục sớm, không an toàn cũng dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tiêu biểu là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là một bệnh mãn tính, có khả năng đe dọa tính mạng do virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra.
Bệnh dễ lây truyền qua đường tình dục nữa là giang mai. Đây là loại bệnh do xoắn khuẩn gây nên, có thể lây lan từ cơ quan sinh dục đến khắp cơ thể. Một trong các dấu hiệu sớm nhất của bệnh này là đau ở cơ quan sinh dục hay miệng, các triệu chứng sau đó thường là sốt, đau họng, nhức đầu hoặc đau khớp. Bệnh tiến triển qua nhiều thời kỳ, tồn tại trong nhiều năm, để lại nhiều di chứng, đặc biệt ảnh hưởng đến thế hệ sau.
Một bệnh dễ lây truyền nữa là bệnh lậu do vi khuẩn, gây tiết dịch hơi vàng hoặc xanh ở cơ quan sinh dục, gây cảm giác đau rát khi đi tiểu, sốt và xuất huyết âm đạo bất thường và đau vùng chậu ở phụ nữ. Căn bệnh này có thể lây lan khắp cơ thể, gây sốt, thương tổn ở da, viêm khớp. Tiếp đến là viêm gan siêu vi B, bệnh do virus, ảnh hưởng trước tiên đến gan. Triệu chứng bệnh gồm mệt mỏi, nôn mửa, không có cảm giác thèm ăn, tổn thương vùng bụng, vàng da…
Thời gian qua, ngành Dân số đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến kiến thức sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, tình trạng yêu sớm, quan hệ tình dục, cá biệt là mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề trên là do các em chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức căn bản để bảo vệ mình và có cách ứng xử phù hợp với lứa tuổi. Nhiệm vụ phối hợp truyền thông sức khỏe sinh sản ở lứa tuổi vị thành niên cần tiếp tục tiến hành thường xuyên hơn nữa, cần sự vào cuộc tích cực không chỉ của ngành Dân số mà phải phát huy vai trò chủ động, tích cực của nhà trường và các bậc phụ huynh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!