Có nhiều nguy cơ làm bệnh trầm trọng hơn, thậm chí là đe dọa đến tính mạng nếu như bệnh nhân không nhận biết được mối liên hệ giữa bệnh tật và thời tiết.
Thời tiết ảnh hưởng tới bệnh mạn tính
Thời tiết nắng nóng của mùa hè gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người, nhất là đối với người bệnh mạn tính. Nguyên nhân là do thời tiết nóng bức khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều, dẫn đến mất nước và điện giải; từ đó gây hôn mê, ngất xỉu, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Đối với người cao tuổi, đặc biệt người có tiền sử huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa động mạch... những biểu hiện trên xuất hiện nhanh hơn với tần suất cao hơn, bởi sức đề kháng người cao tuổi vốn yếu, gặp thời tiết nắng nóng sẽ yếu hơn.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Y tế công cộng Harvard cho thấy những thay đổi nhỏ về nhiệt độ trong mùa hè có thể làm giảm tuổi thọ của người già mắc bệnh mạn tính.
Cứ tăng mỗi 1 độ C trong sự thay đổi nhiệt độ mùa hè thì sẽ làm tăng khoảng 2,8-4% tỷ lệ tử vong ở người già mắc bệnh mạn tính, tùy thuộc vào bệnh mà họ mắc phải. Tỷ lệ tử vong tăng 4% ở người già mắc bệnh tiểu đường, 3,8% ở người già đã từng bị đau tim và 3,7% ở người già mắc bệnh phổi mạn tính và 2,8% ở người già bị suy tim.
Thời tiết nắng nóng của mùa hè gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người mắc bệnh mạn tính.
Một số lưu ý
Đối với người tăng huyết áp
Nắng nóng sẽ gây nên các tác động tới huyết áp, đó là gây giãn mạch, ra nhiều mồ hôi gây mất nước và điện giải. Sự chênh lệch đột ngột giữa nhiệt độ trong nhà (vốn hay mở máy điều hòa) và ngoài trời (đang nắng nóng) khiến sự co, giãn của mạch máu cũng bị thay đổi đột ngột, làm ảnh hưởng đến sự ổn định của huyết áp.
Các tác động này đều dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp quá mức, nhất là các bệnh nhân có nguy cơ hạ huyết áp tư thế, đặc biệt người cao tuổi. Hạ huyết áp quá mức dẫn đến thiếu máu nội tạng, nhất là thiếu máu não dẫn đến ngất xỉu, thậm chí tai biến. Chưa kể còn một nguy cơ khác là đang nóng (gây giãn mạch) lại vào lạnh (như vào phòng, vào xe ô tô có điều hòa) gây co mạch đột ngột. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp thường có thành mạch “giòn” nên sẽ dễ tổn thương.
Trời nóng còn khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp vì thế cũng tăng theo. Khi người bệnh ngủ không ngon do nắng nóng, sẽ dễ xuất hiện tình trạng huyết áp tăng cao vào ban đêm làm tổn hại tim mạch.
Để tránh nguy cơ bệnh tăng nặng, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim... người bệnh cần tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ; chú ý sử dụng các thuốc hạ áp, nhất là khi phối hợp nhiều thuốc hạ áp có tác dụng giãn mạch; không nên làm việc hay vận động nhiều ngoài trời nhằm đề phòng giãn mạch quá mức. Nếu không thể tránh, nên làm việc lúc sáng sớm trước 10 giờ hoặc khi chiều muộn sau 15 giờ, nhưng làm vừa sức.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường
Tỷ lệ trao đổi chất ở người bệnh đái tháo đường cao nên người bệnh đổ mồ hôi nhiều và liên tục cảm thấy đói trong mùa hè. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng. Tránh hiện tượng hạ đường huyết do ăn uống không đầy đủ trong khi vẫn dùng các thuốc điều trị tiểu đường. Hạ đường huyết là một trong những yếu tố thuận lợi dẫn đến nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường có suy mạch vành.
Những bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thận mà chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, uống ít nước sẽ làm cho tình trạng suy thận gia tăng, hoặc tình trạng suy thận nặng hơn khi đang dùng kèm theo thuốc lợi tiểu và ức chế men chuyển. Đồng thời người bệnh đái tháo đường là một trong những cơ địa dễ bị biến chứng huyết khối, tắc mạch nhiều hơn nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước trong mùa nắng nóng.
Bệnh lý đường hô hấp mạn tính
Nắng nóng làm cho cơ thể mệt mỏi, mất nước, sức đề kháng suy giảm cộng thêm sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài khiến bệnh viêm đường hô hấp càng tăng cao vào mùa hè. Các bệnh nhân có tiền sử viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) dễ bị lên các cơn kịch phát vì dễ bị nhiễm trùng hô hấp. Nguyên nhân do khí hậu nóng nực làm khô và tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
Ở nhiệt độ thông thường, vùng mũi họng sẽ có một chất nhầy với chức năng giống như chất sát khuẩn dùng để giữ vi khuẩn, virus và tống ra ngoài cơ thể. Với khí hậu khô nóng, cơ thể mất nước, niêm mạc vùng hầu họng khô lại và khi sử dụng máy lạnh, quạt máy liên tục sẽ khiến cho niêm mạc mũi họng càng bị khô, trầy xước nên vi khuẩn, virus dễ xâm nhập vào sâu bên trong gây bệnh.
Vì vậy, các bệnh hô hấp mạn tính như: Hen suyễn, viêm phế quản mạn, COPD nếu không được phát hiện sớm, điều trị và kiểm soát bằng liệu pháp phù hợp rất dễ tái phát và biến chứng thành các bệnh lý nguy hiểm, khi đó càng khó khăn hơn trong việc điều trị.
Người bệnh mắc các bệnh mạn tính nên tránh hoạt động nhiều dưới trời nắng.
Bệnh lý về tim mạch
Khi thời tiết nóng nực làm cho cơ thể đổ mồ hôi dẫn tới mất nước nên có nguy cơ rối loạn nước và điện giải. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, có thể xuất hiện những biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy thận trước thận (thận không đủ nước để lọc).
Thời tiết nắng nóng cũng dễ làm xuất hiện tác dụng phụ của các thuốc điều trị kèm theo như các thuốc ức chế men chuyển (làm suy thận, tăng creatinin trong máu). Thể tích tuần hoàn giảm sẽ gây hiện tượng máu bị cô đặc, trở thành điều kiện thuận lợi cho tai biến tắc mạch do huyết khối, đặc biệt nguy hiểm đối với những người dùng thuốc chống đông không đầy đủ.
Để giảm những nguy cơ trên, bệnh nhân suy tim đang dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển nên uống nước nhiều hơn, uống nhiều lần trong ngày, không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước, tránh đi lại ngoài đường trong trời nắng gắt, thường xuyên ở trong môi trường có điều hòa nhiệt độ càng tốt.
Bệnh lý xương khớp
Bệnh xương khớp thường hay gặp vào mùa lạnh, tuy nhiên do nắng nóng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người già từ đó khiến chứng đau vai, gáy, cột sống, thắt lưng và khớp gối tăng mạnh. Nguyên nhân do nắng nóng không làm tình trạng hư sụn khớp nặng hơn nhưng bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu hơn với cơn đau do thoái hóa khớp.
Nhiệt độ không khí tăng làm cho bệnh nhân với khớp bị thoái hóa có viêm màng bao khớp gây sưng tràn dịch cảm thấy đau nhiều hơn và có cảm giác giống như bị sốt - nhưng thực tế khi đo nhiệt độ không thấy cao.
Do đó, việc điều trị là rất cần thiết cho những bệnh nhân đã có tình trạng thoái hóa khớp. Các biện pháp giảm thiểu cơn đau khớp không dùng thuốc như: Trang phục quần áo nhẹ, thoáng, ăn uống đầy đủ, nhất là cung cấp nước cho cơ thể tránh tình trạng thiếu nước ở người già cũng góp phần hết sức quan trọng trong việc chống lại các cơn đau của bệnh khớp.
Cứ tăng 1 độ C trong sự thay đổi nhiệt độ mùa hè thì sẽ làm tăng khoảng 2,8 - 4% tỷ lệ tử vong ở người già mắc bệnh mạn tính, tùy thuộc vào bệnh mà họ mắc phải.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!