Ung thư phổi làm sao để phát hiện sớm?

Kỹ năng sống - 04/20/2024

Bệnh nhân P. N. Q, nam 57 tuổi, quê Thái Bình được các bác sĩ Bệnh viện bạch Mai điều trị ung thư phổi do hút thuốc lá lâu năm.

Ung thư phổi làm sao để phát hiện sớm?

Bệnh nhân vào viện vì đau ngực trái và khó thở. Vài tháng trước, bệnh nhân ở nhà ho kéo dài và thỉnh thoảng có máu theo đờm, trước khi vào viện 2 ngày bệnh nhân xuất hiện khó thở đột ngột và kèm theo đau ngực tăng lên. Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện tỉnh và được chụp phim X- quang phổi thẳng, kết quả nghi ngờ có u phổi bên trái. Sau đó bệnh nhân xin chuyển đến bệnh viện Bạch Mai.

Tiền sử ông Q cho biết bản thân hút thuốc lá 20 năm. Các bác sĩ cho biết khi vào viện, bệnh nhân tỉnh, đau ngực, khó thở tăng lên khi nằm.

Bệnh nhân được tiến hành siêu âm tim cấp đánh giá dịch màng tim thấy số lượng dịch rất nhiều và có dấu hiệu chèn ép vào thất trái, nên bệnh nhân được chọc hút và dẫn lưu dịch màng ngoài tim giải chèn ép ngay. Bệnh phẩm dịch màng tim được gửi tới Trung tâm giải phẫu bệnh để xét nghiệm khối tế bào (Cell block), kết quả là: ung thư biểu mô tuyến di căn màng tim. Sau đó bệnh phẩm được xét nghiệm thêm bước nữa bằng phương pháp nhuộm hóa mô miễn dịch để đi đến kết quả cuối cùng là: ung thư biểu mô tuyến di căn có nguồn gốc từ phổi.

Cùng thời điểm, mẫu bệnh phẩm được gửi đơn vị Gen trị liệu bệnh viện Bạch Mai để xét nghiệm đột biến gen EGFR giúp cho việc lựa chọn phương pháp điều trị, kết quả cho thấy không có đột biến EGFR.

Các bác sĩ cho biết ông Q. bị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 4, loại biểu mô tuyến, không có đột biến EGFR được điều trị bằng phác đồ hóa trị bộ đôi bước 1 có muối Platin phối hợp với các phương pháp điều trị phối hợp khác cho kết quả khả quan: bệnh đáp ứng một phần, u nhỏ kích thước, hết tràn dịch đa màng, các tổn thương di căn (não, xương, hạch) tan hết. Tiếp theo bệnh nhân sẽ chuyển sang phác đồ hóa chất điều trị duy trì.

Theo GS Mai Trọng Khoa- Giám đốc trung tâm ung bướu, Bệnh viện Bạch mai ung thư phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư trên toàn thế giới. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm tới hơn 80% và thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn khi không còn khả năng phẫu thuật triệt căn. Hóa trị từng là phác đồ truyền thống điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn này.

Vài năm trở lại đây, nhóm thuốc ức chế tyrosin – kinase thế hệ I (như erlotinib, gefitinib…) và thế hệ II (afatinib) đã được áp dụng điều trị và mang lại hiệu quả cao cho những bệnh nhân mang đột biến nhạy cảm EGFR. Đây là phương pháp điều trị đích – dùng thuốc tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình phát triển của tế bào ung thư từ đó giúp tiêu diệt u. Tuy nhiên, sau khoảng 10 – 14 tháng điều trị đích các bệnh nhân thường xuất hiện tình trạng kháng thuốc.

Theo các chuyên gia ung thư, các dấu hiệu lâm sàng của ung thư phổi thường nghèo nàn và không đặc trưng, nên đa số bệnh nhân được phát hiện tình cờ. Vì vậy, điều cần thiết là phải phát hiện lâm sàng sớm khi chưa có triệu chứng. Do đó, người dân cần đi khám sàng lọc định kỳ 2 lần/năm, những người trẻ có thể duy trì 1 lần/năm.

Khi đi khám quan trọng đầu tiên nhất là phải chụp X-quang ngực.

Đừng đợi khi có triệu chứng nhiều rồi như ho nhiều, ho ra máu, đau ngực nhiều, khó thở, sụt cân, đau nhức xương (di căn xương), nhức đầu kèm ói (di căn não) mới đi khám thì thường đã ở giai đoạn quá trễ.

Thực tế, một tình huống hay gặp là điều trị nơi này không khỏi rồi đi nơi khác tiếp tục điều trị, kéo dài nhiều tháng mà không chụp X-quang ngực dù chỉ một lần, dẫn đến phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!