Vắt sống trong mũi, hút máu người và thói quen cần bỏ

Thời sự - 04/24/2024

Tình trạng đỉa vắt chui vào mũi không hiếm gặp, sau một thời gian hút máu trong cơ thể, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây ra các triệu chứng về đường hô hấp…

Vắt sống trong mũi, hút máu người và thói quen cần bỏ

Vắt sống trong mũi, hút máu người và thói quen cần bỏ

Vừa qua, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Quang Bình đã thực hiện ca nội soi và gắp thành công con vắt sống trong mũi một bệnh nhân.

Bệnh nhân là Đặng M. C., 66 tuổi, trú tại xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình. Cách đây 2 tuần, bệnh nhân đi rừng và có uống nước lần (nước khe suối).

Mấy hôm sau bệnh nhân C. thấy ngứa mũi, chảy máu. Vài ngày gần đây thì bệnh nhân thấy mũi khó chịu hơn, chảy máu ngày càng nhiều nên vào viện khám.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành nội soi và xác định có dị vật bên trong hốc mũi bệnh nhân, nên đã sử dụng phương pháp nội soi gắp dị vật ra ngoài, sau đó rửa mũi và sát khuẩn cho bệnh nhân.

Dị vật phát hiện trong mũi bệnh nhân được xác định là một con vắt có kích thước khoảng 4cm, to bằng đầu đũa.

Theo các bác sĩ, hiện tượng vắt lọt vào và khu trú trong mũi được bắt gặp nhiều với những người dân sống vùng sâu, vùng xa hoặc gặp ở người rửa mặt, bơi lội và uống nước suối.

Trước đó, vào tháng 7, sau chuyến đi chơi, tắm suối cùng gia đình, bé trai 7 tuổi ở Hà Nội bị chảy máu cam dai dẳng suốt ba tuần liên tiếp.

Tại Khoa tai - mũi - họng, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, kiểm tra nội soi mũi cho bé, bác sĩ phát hiện một con vắt trong hốc mũi bên trái che kín khe mũi giữa và khe mũi trên.

Các bác sĩ đã gắp một con vắt còn sống, dài khoảng 3 cm khỏi mũi bé. Gia đình cho biết gần 1 tháng trước đó, cả nhà có đi bơi ở suối vùng núi phía Bắc, sau khi trở về, bệnh nhi bị chảy máu cam dai dẳng. 

Theo bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Khoa tai - mũi - họng, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, tình trạng đỉa/ vắt chui vào mũi không hiếm gặp. Đỉa/vắt rừng thường sống ở các khe suối, lúc còn nhỏ, kích thước chúng chỉ khoảng vài milimet, rất khó nhận biết.

Khi người hoặc các loài động vật xuống suối tắm hoặc uống nước, chúng sẽ nhanh chóng chui cơ thể và sống ký sinh ở đó. Sau một thời gian hút máu, chúng sẽ lớn rất nhanh và gây ra các triệu chứng về đường hô hấp.

Theo đó, vắt sẽ lọt vào cơ thể, luồn lách vào các xoang như xoang hàm, xoang trán, xoang bướm (ở mũi) hoặc có thể xuống vùng họng, vùng thanh quản. Triệu chứng thường gặp là chảy máu mũi, ho ra máu, đau ngực, khó thở, đôi khi khàn tiếng.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo người dân cẩn trọng trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là những người đi rừng cần hạn chế uống nước khe, suối để tránh đỉa/vắt chui vào cơ thể.

Ngoài ra, những người sống ở vùng núi rừng ẩm ướt, hoặc trở về từ những vùng rừng núi, nếu có hiện tượng chảy máu mũi hoặc ho kéo dài nên soi tai, mũi, họng hoặc phế quản để loại trừ có vắt ký sinh trong cơ thể.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!