Khoảng thời gian ngắn, thường là 6 tháng, sau khi nhiễm virus được gọi là giai đoạn cấp của bệnh. Nếu virus vẫn tồn tại trên 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, bạn đã bị viêm gan C mạn tính.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính khoảng 170 triệu người toàn cầu mắc viêm gan C, mỗi năm ghi nhận 3 đến 4 triệu ca mắc mới. Việt Nam có số ca viêm gan C ở mức cao trong nhóm các nước đang phát triển. Năm 2018, cả nước ghi nhận khoảng 3 triệu người nhiễm virus viêm gan C, trong đó 75% viêm gan C mạn tính; 25% chuyển biến thành xơ gan và ung thư.
Về nguy cơ lây nghiễm, BS Vũ Đình Huy, nguyên Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, cho biết bệnh lây truyền qua đường máu và các chế phẩm của máu có nhiễm virus, quan hệ tình dục không an toàn gây tổn thương chảy máu, truyền từ mẹ sang con, dùng kim tiêm không an toàn. Ngoài ra virus cũng có thể lây truyền qua dụng cụ trong một số thủ thuật như châm cứu, xăm hình.
Theo đó, viên gan C có thời kỳ ủ bệnh khá dài, khoảng hai tháng. Hầu hết trường hợp viêm gan C cấp tính ít có triệu chứng đặc biệt, người bệnh mệt mỏi, nhức đầu giống cảm cúm. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải (vùng gan), kèm theo đau, có thể vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu.
Người bị viêm gan C mạn tính cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu, đau cơ hay đau khớp, lo lắng, chán nản. Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng. Thậm chí tình trạng không có triệu chứng kéo dài nhiều năm trong khi virus vẫn tiếp tục sinh sôi ở gan. Chúng gây viêm gan và tăng nồng độ của nhiều men gan (AST và ALT) có thể đo được trong máu. Kết quả, tổn thương gan (gọi là xơ hóa) có thể lan rộng dẫn đến xơ gan.
Khi xơ gan, mô xơ xâm lấn mô gan bình thường, làm hỏng những chức năng gan như tiêu hóa và giải độc. Nếu không điều trị, xơ gan sẽ dẫn đến những biến chứng nặng và ung thư gan.
Bệnh nhân viêm gan C có thời gian tiến triển bệnh khác nhau và không thể dự đoán được chính xác. Nhiều người thay đổi ít sau 20-30 năm, trong khi nhiều người tiến triển xơ gan sau 10 năm hay ngắn hơn. Ngoài ảnh hưởng đến chức năng gan, gây xơ gan, ung thư gan, virus viêm gan C còn tác động đến các bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh ở giai đoạn xơ gan có thể làm giảm tiểu cầu dẫn đến dễ chảy máu, giảm bạch cầu nên dễ nhiễm trùng.
Khi nhiễm virus viêm gan C, cơ thể hình thành kháng thể để chống lại. Chính kháng thể này tạo ra những phản ứng ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể như thận, tổn thương dây thần kinh, đau khớp, da mẩn đỏ, loét. Viêm gan C cũng làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh khác bao gồm đái tháo đường, trầm cảm...
BS Huy cho biết bệnh chưa có vaccine phòng ngừa. Điều trị viêm gan C chủ yếu là thuốc uống, không phải tiêm, hiệu quả rất cao và rất ít tác dụng phụ, chi phí vừa phải.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!