Vui cũng ăn, buồn càng ăn nhiều hơn: coi chừng béo phì!

Dinh dưỡng - 11/24/2024

Bạn đã bao giờ cảm thấy dù mình đã ăn rất no nhưng vẫn sẵn sàng ăn thêm gì đó bởi vì bạn đang rất vui? Hoặc đơn giản chỉ vì bạn đang buồn?

Bạn đã bao giờ cảm thấy dù mình đã ăn rất no nhưng vẫn sẵn sàng ăn thêm gì đó bởi vì tâm trạng bạn đang rất vui? Bạn có bao giờ giải tỏa nỗi buồn bằng việc việc đi ăn chưa? Nếu có thì bạn đang ăn theo cảm xúc và việc này không hề tốt cho sức khỏe của bạn đâu nhé.

Thói quen ăn theo cảm xúc là gì?

Đây là tình trạng khi việc nạp vào một lượng lớn thức ăn (thường là loại đồ ăn mà bạn thích hoặc những đồ điểm tâm, ăn vặt) là cách cơ thể phản ứng với cảm xúc chứ không phải vì đói. Việc ăn uống làm bạn cảm thấy tốt hơn, để làm đầy tâm hồn trống trải hơn là làm đầy dạ dày trống rỗng của bạn. Hiện nay, ngày càng có nhiều người sử dụng cách này để đối phó với những cảm xúc tiêu cực như buồn chán, stress, căng thẳng, trầm cảm hoặc đôi khi hưng phấn quá mức.

Sự thất vọng, áp lực và yêu cầu về thời hạn hoàn thành công việc luôn đi kèm với cuộc sống hiện đại ngày nay. Đối với nhiều người, stress đã là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, stress quá mức có thể làm tổn hại đến sức khỏe, tâm trạng, các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống của bạn.

Stress cũng làm ảnh hưởng tới sở thích ăn uống. Trạng thái đau khổ hay kiệt sức, sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ chất béo và đường và khiến bạn ngủ nhiều hơn. Một số người thậm chí còn phải tìm đến rượu. Tất cả những điều này dẫn tới béo bụng, làm tăng nguy cơ tiểu đường và mắc các bệnh tim mạch.

Khi bạn stress, tuyến thượng thận tiết ra một loại hormone gọi là cortisol khiến bạn thèm muốn đồ ăn chứa nhiều carbonhydrate (tinh bột), đường và chất béo. Bạn càng ăn nhiều thì bạn lại càng bị phụ thuộc vào thói quen ăn theo cảm xúc này. Nếu việc đầu tiên bạn làm khi buồn bực, đổ vỡ, tức giận, cô đơn, mệt mỏi là mở tủ lạnh và ăn uống hoặc gọi điện rủ mọi người đi “ăn giải sầu” thì bạn đang mắc vào một vòng luẩn quẩn, không những không giải quyết được căn nguyên của những nỗi niềm trong lòng mà còn gây bất lợi cho sức khỏe.

Một số câu hỏi giúp xác định bạn có phải là người có thói quen ăn theo cảm xúc hay không

Hãy trả lời những câu hỏi dưới đây để xác định xem mình có đang ăn theo cảm xúc không nhé:

  • Bạn có ăn nhiều hơn mỗi khi bị stress không?
  • Bạn có ăn dù đang no hoặc khi không thấy đói không?
  • Ăn uống có làm bạn cảm thấy tốt hơn không (có giúp bạn bình tĩnh và làm dịu tâm trạng hơn không)?
  • Bạn có thường xuyên lấy việc ăn uống làm phần thưởng cho mình không?
  • Bạn có ăn quá nhiều khi căng thẳng không?
  • Ăn uống có làm bạn cảm thấy vui hơn? Bạn có cảm thấy đồ ăn là một người bạn của mình?

Nếu trả lời “Đúng” từ 4 câu hỏi trở lên, bạn có thể đang đối mặt với vấn đề ăn uống không kiềm hãm được do bị ảnh hưởng tâm lý.

Phân biệt “ăn do cảm xúc” và “ăn do đói”

Một số điều dưới đây có thể giúp bạn xác định được mình đang ăn theo cảm xúc hay do đang đói bụng:

  • Ăn do cảm xúc đến một cách đột ngột, cấp thiết. Ăn do đói đến từ từ, đều đặn vào những khoảng thời gian nhất định, không nhất thiết phải ăn ngay lập tức;
  • Khi có nhu cầu ăn do cảm xúc chi phối, bạn chỉ muốn ăn một số loại thực phẩm nhất định. Khi đói thực sự, bạn ăn gì cũng thấy ngon, kể cả rau củ quả. Trong khi đó, đói do cảm xúc chi phối làm bạn chỉ muốn ăn đồ ngọt, đồ béo mà thôi;
  • Đói do cảm xúc chi phối thường dẫn đến ăn không ý thức. Bạn thậm chí không nhận ra là mình vừa ăn một túi khoai tây chiên hoặc một miếng bánh ngọt to, tức ăn mà không hề thưởng thức đồ ăn. Trong khi đó, đói do phản ứng vật lý của cơ thể thì bạn thường toàn tâm toàn ý thưởng thức món ăn;
  • Đói do cảm xúc khiến bạn ăn vô độ, ăn liên tục cho đến khi cảm thấy khó chịu vì quá no. Đói do phản ứng vật lý của cơ thể thì ngược lại, bạn hoàn toàn ý thức được và dừng lại khi dạ dày vừa đủ căng;
  • Đói do cảm xúc khiến bạn dù ăn rồi vẫn cứ thấy đói mãi và không thể loại khỏi ham muốn ăn uống ra khỏi đầu;
  • Ăn theo cảm xúc thường khiến bạn cảm thấy hối hận, có lỗi hoặc xấu hổ. Những cảm giác này không xuất hiện ở ăn theo nhu cầu cơ thể.

Làm gì để hạn chế tác hại của thói quen ăn theo cảm xúc?

Bạn có thể thực hiện những điều sau để tránh ăn theo cảm xúc:

Xác định nguyên nhân

Cần xác định nguyên nhân khiến bạn thèm ăn một cách bất thường. Buồn khổ hay hạnh phúc cũng đều có thể khiến bạn hình thành thói quen này. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Stress, bế tắc tình cảm hay có cảm xúc tiêu cực, cảm giác buồn chán hay trống rỗng;
  • Thói quen từ nhỏ: Khi còn nhỏ, mỗi lần bạn nghe lời, bố mẹ thường thưởng đồ ăn cho bạn như kem, bánh kẹo… Những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu thường gắn liền với đồ ăn cũng có thể ảnh hưởng tới thói quen ăn uống khi trưởng thành;
  • Ảnh hưởng của xu hướng xã hội: Khi có chuyện vui hay có chuyện buồn, chúng ta có xu hướng rủ nhóm bạn của mình đi ăn uống. Đây có thể là cách xả stress tốt nhưng không nên quá lạm dụng;

Tìm cách giải tỏa vấn đề tâm lý

Bạn không thể tìm cách chạy trốn thực tế thông qua việc ăn uống mãi được. Cần dũng cảm nhìn thẳng vào vấn đề và tìm cách giải quyết chúng. Có thể trò chuyện với những người mà bạn cảm thấy tin cậy để giải tỏa tâm lý và trao đổi về các giải pháp khả thi.

Đánh lạc hướng cảm xúc

Khi cơn đói do cảm xúc xảy ra, bạn có thể cố gắng chuyển sự chú ý từ thức ăn sang các đối tượng hay các sinh hoạt khác như đi bộ, hít thở, thư giãn, uống một loại đồ uống có lợi cho sức khỏe như một cốc trà đen (theo một nghiên cứu, trà đen có thể làm giảm 47% nồng độ cortisol trong máu), trà xanh…

Bạn chắc chắn sẽ khỏe mạnh hơn nếu để lý trí chứ không phải là cảm xúc quyết định việc ăn uống của mình. Vì thế, nếu nhận ra mình đang luôn tìm tới đồ ăn khi quá vui hay quá buồn, bạn nên áp dụng những phương pháp nêu trên để ngăn chặn điều này lại.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:

  • Bỏ 5 thói quen này ngay nếu bạn còn muốn giảm cân!
  • Ăn uống cũng giúp chống lại tia cực tím, bạn biết chưa?
  • 5 sai lầm khi tập thể dục buổi sáng khiến bạn tăng cân

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!