Sáng 23/10, tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng), Tổng cục Dân số - KHHGĐ tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng chương trình sức khỏe cho người di cư Việt Nam. Tham dự hội nghị, ngoài lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của Tổng cục Dân số - KHHGĐ còn có đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc, các cơ quan bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ thuộc các tỉnh, thành phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lương Quang Đảng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số - KHHGĐ thông tin: Thế giới hiện có khoảng 272 triệu người di cư trong tổng dân số hơn 7 tỷ người. Với 96,2 triệu người, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số đứng thứ 15 trên thế giới, thứ 8 tại Châu Á và thứ 3 trong cộng đồng ASEAN. Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, di cư nội địa trong 5 năm qua của nước ta là hơn 7% dân số. Dòng di cư nội địa chủ đạo của Việt Nam là từ thành thị đến thành thị và từ nông thôn ra thành thị.
Ông Lương Quang Đảng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số - KHHGĐ.
'Di cư là một sự tất yếu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Nơi đi là sự khuyết thế hệ và sụt giảm lực lượng lao động; nơi đến là các sức ép đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ an sinh xã hội, y tế, nước sạch, giáo dục, giao thông và thậm chí cả những vấn đề an toàn, an ninh, trật tự xã hội. Bản thân người di cư phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều rào cản trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trên', ông Đảng cho biết.
Bàn về tầm quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch hành động chăm sóc sức khỏe cho người di cư Việt Nam, TS. Aiko Kaji - Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) đánh giá: 'Sức khỏe của người di cư là một vấn đề quan trọng và phức tạp, ảnh hưởng và tác động lại chính các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế …của Việt Nam. Sức khỏe của người di cư là một điều quan trọng để đóng góp vào năng suất, chất lượng của lực lượng lao động, sự tăng trưởng xã hội của nơi đến cũng như nơi đi. Giải quyết nâng cao sức khỏe cho họ là một vấn đề cơ bản trong việc thực hiện quyền con người, đã được nêu lên trong các tuyên bố về quyền con người và việc đảm bảo này mang lại những tác động chung về y tế công cộng. Do đó, nó là trách nhiệm không của riêng một quốc gia nào'.
TS. Aiko Kaji - Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM).
Theo GS.TS. Nguyễn Đình Cử - nguyên giảng viên cao cấp trường ĐH Kinh tế Quốc dân, người di cư thường thiếu kiến thức về môi trường ở nơi đến và hiện cũng chưa có một khung pháp lý cụ thể để chăm sóc, bảo vệ họ.
'Cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát hiện rào cản trong chăm sóc sức khỏe người di cư, xóa bỏ các khoảng trống của chính sách trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của từng nhóm đối tượng di cư', GS. TS Nguyễn Đình Cử đề xuất.
GS Nguyễn Đình Cử cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát hiện rào cản trong chăm sóc sức khỏe người di cư
Đồng quan điểm với GS. Cử, TS. Annie Chu - chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhận định, cần có sự điều phối hợp tác giữa các cấp, ngành; xây dựng khung pháp lý để nhìn nhận rõ nhu cầu pháp lý của người di cư và truyền thông tới họ để họ biết và được tiếp cận những dịch vụ này.
'Mặc dù người di cư có sức khỏe tốt hơn những người không di cư nhưng họ gặp phải nhiều vấn đề khác. Dịch bệnh COVID-19 xảy ra càng tăng thêm các nguy cơ khác cho người di cư. Nghiên cứu cho thấy, bản thân những người vợ có chồng là lao động ở nước ngoài cũng gặp những vấn đề về tâm thần nhiều hơn. Ngay cả di cư nội địa như Hà Nội, mức độ sử dụng y tế cũng ít hơn…', bà Annie Chu lấy ví dụ.
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến tham luận, đề xuất giải pháp hỗ trợ người di cư của các chuyên gia...
Ông Nguyễn Trung Kiên - Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ: 'Chúng tôi luôn giành 30% nội dung bài giảng để phổ biến kiến thức cho người lao động trước khi đi lao động và sau khi ở lại nước tiếp nhận. Cụ thể, hướng dẫn người di cư cách liên hệ với các cơ quan của các nước sở tại; cách chăm sóc, bảo hiểm sức khỏe trong các trường hợp khẩn cấp cần liên hệ với Ban quản lý lao động Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại nước tiếp nhận để được hỗ trợ'. Tuy nhiên, ông Kiên cũng thừa nhận, chương trình chăm sóc sức khỏe cho người hồi hương vẫn chưa được đề cập.
Bàn đến nhóm đối tượng di cư trôi nổi, bà Nguyễn Thị Ngân Hà - Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, cần đặc biệt quan tâm sức khỏe tinh thần của người di cư, nhất là nhóm đối tượng lấy chồng ngoại quốc bởi những người này thường thiếu kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ… và trên thực tế, đã có nhiều trường hợp bị bạo hành, ngược đãi. Đối tượng di cư trôi nổi không có điều kiện để tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do vậy, cần tư vấn giải pháp cụ thể nào để cơ quan chức năng chủ động tiếp cận những đối tượng đó.
Bà Nguyễn Thị Ngân Hà - Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Về di cư nội địa, bà Trần Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số -KHHGĐ Hải Phòng cho biết, địa phương đã triển khai nhưng để bài bản thì còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với người di cư từ nông thôn ra thành thị. Di cư gây áp lực lên các vấn đề về nhà ở, các dịch vụ cần thiết đảm bảo vật chất, tinh thần, điều kiện kèm theo như cha mẹ, con cái; dịch bệnh, thiên tai, chăm sóc sức khỏe sinh sản…
Khẳng định truyền thông về sức khỏe cho người di cư cũng là một giải pháp quan trọng, bà Hằng đề nghị: 'Cần đa dạng hóa kênh truyền thông để thích hợp với từng nhóm đối tượng người di cư như người lao động trong KCN, Khu chế xuất, nhà máy, người sống trong xóm trọ, thậm chí, truyền thông tới cả người quản lý, sử dụng lao động …'.
Hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến tham luận, đề xuất giải pháp hỗ trợ người di cư của các chuyên gia, lãnh đạo các bộ ngành, Chi cục Dân số - KHHGĐ các tỉnh, thành Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên… nhằm sớm xây dựng một chương trình sức khỏe cho người di cư Việt Nam.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!