Xoá tan nỗi lo 4 bệnh da liễu phổ biến nhất mùa này

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Cùng Hello Bacsi tìm hiểu các bệnh da liễu như phát ban, nổi mề đay, nấm móng chân, nấm vùng kín cùng phương pháp điều trị hiệu quả.

Bệnh da liễu luôn là nỗi ám ảnh của mỗi người bởi nó không chỉ mang lại cảm giác vô cùng khó chịu mà còn ảnh hưởng đến ngoại hình. Bệnh về da thường đi kèm những cục u, vết nứt, sưng và chảy mủ trên da mà bạn chẳng biết nguyên nhân do đâu.

Thông thường, những căn bệnh này xuất hiện khi bạn bị côn trùng cắn hoặc da khô. Nhưng đôi khi vấn đề lại phức tạp hơn thế. Hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây ra những căn bệnh đáng ghét này cùng cách chữa trị nhé.

Phát ban do nhiệt

Thời tiết nóng và ẩm ướt thường dễ dẫn tới hiện tượng phát ban, bởi khi đó ống dẫn mồ hôi dưới da thường bị tắc nghẽn. Phát ban tạo thành các vết ngứa hoặc mụn nước nhỏ, gây ngứa. Bạn thường bắt gặp những nốt ban thế này tại các nếp da hoặc những nơi quần áo hay ma sát.

Phát ban do nhiệt thường tự khỏi sau một vài ngày. Tuy nhiên, để chứng phát ban nhanh khỏi và không lây lan thêm, tốt nhất bạn hãy mặc quần áo làm từ các loại vải mềm, nhẹ, thoáng khí để mồ hôi có thể bốc hơi và tránh bôi các loại kem hoặc thuốc mỡ dày lên da vì chúng có thể chặn các ống dẫn mồ hôi.

Ngoài ra, bạn hãy đi khám bác sĩ nếu phát ban kéo dài lâu hơn 3-4 ngày, có dấu hiệu trở nặng hoặc dấu hiệu nhiễm trùng như sốt hoặc đau, sưng hoặc đỏ nặng hơn.

Nấm vùng kín

Môi trường ấm áp, ẩm ướt có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của nấm Candida albicans, gây nên nhiễm nấm âm đạo. Nhiễm nấm vùng kín cũng có thể phát triển khi sự cân bằng axit trong âm đạo thay đổi, chẳng hạn như sau khi bạn đã dùng thuốc kháng sinh hoặc steroid, trong khi mang thai và có kinh nguyệt và khi dùng thuốc tránh thai.

Nếu đây không phải là lần đầu bạn bị nấm vùng kín và có xuất hiện các triệu chứng như bị đỏ, sưng, ngứa, kích ứng, tiết dịch âm đạo trắng, bạn hãy mua thuốc tại nhà thuốc. Nếu đây là lần đầu tiên bạn gặp tình trạng này, hãy gặp bác sĩ để chẩn đoán xem liệu bạn có mắc phải bệnh khác hay không, chẳng hạn như viêm âm đạo do vi khuẩn (nhiễm trùng âm đạo thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, bạn có thể tới gặp bác sĩ chuyên khoa nếu tình trạng bệnh không tiến triển trong vòng một tuần hoặc không khỏi hoàn toàn trong vòng một tháng.

Nấm móng chân

Bệnh nhiễm nấm này có thể xảy ra nếu bàn chân bị ủ mồ hôi trong giày bít kín suốt thời gian dài, khi bạn bị thương trên da hoặc móng, đặc biệt là khi bạn làm móng bằng các dụng cụ tiệt trùng kém. Bệnh thường đi kèm với các triệu chứng như nứt, bong, tróc da giữa các ngón chân, rỉ nước và mụn nước đóng vảy.

Bôi các loại kem kháng nấm OTC (Lamisil, Lotrimin) theo chỉ dẫn cho đến khi khỏi bệnh.

Bên cạnh đó, bạn hãy đi khám bác sĩ nếu nấm biến chứng thành bệnh nhiễm trùng móng hoặc nếu các triệu chứng kéo dài trong một vài tuần. Bác sĩ có thể kê toa kem chống nấm hoặc thuốc uống cho bạn.

Nổi mề đay

Nổi mề đay thường gây ra bởi dị ứng như dị ứng lông động vật, thuốc, phấn hoa hoặc các loại thực phẩm. Ngoài ra, mề đay còn xuất hiện khi bạn bị côn trùng cắn, đốt hoặc một tình trạng bệnh lý như các bệnh nhiễm trùng (ví dụ bệnh bạch cầu đơn nhân)

Các vết mề đay đỏ có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể. Nguy hiểm hơn, chúng có thể phát triển lớn hơn, lan rộng và hợp nhất với các vết mề đay khác. Mề đay có thể biến mất và xuất hiện lại, nên bạn có thể phải “hội ngộ” những vết mề đay đáng ghét này nhiều lần trong đời.

Mề đay nhẹ có thể tự biến mất trong vòng vài giờ. Trong lúc đó, bạn có thể dùng thuốc kháng histamin (như benadryl hay zyrtec) để chống ngứa. Ngoài ra, bạn nên tránh tắm dưới vòi sen nóng và mặc quần áo bó sát.

Nếu tình trạng phát ban không thuyên giảm sau 1 tuần dùng thuốc kháng histamine, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để chẩn đoán lại bệnh. Đồng thời, hãy gọi 115 nếu phát ban trở nặng hoặc bạn có dấu hiệu của sốc phản vệ, chẳng hạn như ngất xỉu, lưỡi hoặc mặt sưng tấy, khó thở, cổ họng bị siết hoặc thở khò khè.

Những dấu hiệu lạ trên da của bạn có thể là vấn đề rất bình thường, nhưng cũng có thể báo hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của mình, bạn hãy làm theo những hướng dẫn mà Hello Bacsi đã đề cập bên trên và luôn chuẩn bị tâm lý tìm đến bác sĩ để kịp thời xử lý mọi tình huống nhé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!