Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Trung Dũng- Trưởng khoa Ngoại và bác sĩ Trần Thị Ngọc Hoa- Trưởng khoa Nội, Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy đã trực 7 ngày liền. Tại thời điểm này, bệnh viện nhấn chìm trong lũ, bị cô lập hoàn toàn. Kíp trực phải ở lại bệnh viện, không nhân viên nào được về nhà và không có nhân viên nào đến thay thế, vì mọi con đường bị nhấn chìm trong lũ, không thể di chuyển trong điều kiện mưa to, sóng lớn vì rất nguy hiểm cho tính mạng.
Đôi vợ chồng bác sĩ Dũng-Hoa cùng với đồng nghiệp đã bám trụ tại bệnh viện cùng với 200 bệnh nhân trong điều kiện khó khăn do thiếu nước sạch, thiếu thực phẩm và thiếu điện. Suốt trong những ngày đó, bác sĩ Dũng đã phải sử dụng đèn pin để phẫu thuật cấp cứu một số bệnh chấn thương thông thường của bà con trong mưa lũ. Bác sĩ Hoa trực trưởng tua phải quán xuyến thăm khám, điều trị hàng ngày cho tất cả các bệnh nhân đang điều trị nội trú. Ngoài ra, bác sĩ Hoa còn kêu gọi cộng đồng hỗ trợ thực phẩm, nước sạch cho bệnh nhân và nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ khi bị cô lập bởi nước lũ. Biết là ngôi nhà của mình có nguy cơ ngập và mọi vật dụng trong nhà có thể bị hỏng. Nhưng lực bất tòng tâm, đôi bác sĩ này đành tặc lưỡi phó thác ngôi nhà mình cho đất trời.
Ngôi nhà của vợ chồng bác sĩ bị ngập thời điểm đỉnh lũ
Đến thăm ngôi nhà cấp 4 của đôi vợ chồng bác sĩ sau khi nước lũ rút, tôi không khỏi bàng hoàng và thương xót khi toàn bộ vật dụng trong ngôi nhà, từ tivi, tủ lạnh, xe máy và mọi thứ khác đã bị phá hủy hoàn toàn, bùn đất lấp đầy mọi ngóc ngách trên trên các vật dụng. Mức nước ngập còn để lại dấu ấn trên tường khoảng 2 mét. Không còn cái gì được gọi là nguyên vẹn.
Ngồi cùng tôi, Bs Dũng nhìn xa xăm nói: 'Mọi thứ đã hết, vợ chồng tôi xem như trắng tay, tất cả là con số không và còn khoản nợ ngân hàng rất lớn do tôi đang vay để xây nhà mới. Nhưng bây giờ nước lũ đã đông cứng toàn bộ khối xi măng đã tập kết để xây nhà'.
Ngôi nhà tan hoang sau lũ
Bác sĩ Hoa mắt ngấn lệ 'tôi cùng đồng nghiệp vật lộn với cơn lũ để mong sao đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Đứa con gái cùng mẹ già phải gửi hàng xóm nơi có nhà cao tầng để vợ chồng yên tâm đi trực. Khi nước lũ rút, về nhà tôi đã ngất xỉu khi thấy toàm bộ tài sản của mình đã trôi theo dòng nước lũ, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước. Thật sự, bây giờ gia đình chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để khắc phục và ổn định cuộc sống'.
Được biết, vợ chồng bác sĩ Dũng công tác tại bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy 23 năm nay. Chừng đó năm công tác, họ đã sống trong khu tập thể bệnh viện sau đó cất được ngôi nhà cấp 4 trong vườn nhà bố mẹ. Hiện tại, vợ chồng bác sĩ đã tích cóp được chút đỉnh và vay vốn ngân hàng để xây nhà. Nhưng với hậu quả thiệt hại do cơn đại hồng thủy vừa qua không biết đến khi nào gia đình bác sĩ Dũng mới có thể đạt được ước mơ.
Chia tay, tôi không khỏi ngậm ngùi thương xót cho hoàn cảnh của gia đình của vợ chồng bác sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác cứu chữa người bệnh trong lũ lụt vừa qua. Và cũng cầu mong mọi cấp trong ngành y tế động viên để gia đình bác sĩ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!