Xử lý các tình huống mè nheo của trẻ trong dịp nghỉ lễ

Nuôi dạy con - 04/20/2024

Khách khứa đến chúc Tết, bé giật ngay bao lì xì xé ngay trước mặt khách và chê ít, lúc này ba mẹ sẽ phải làm sao?

Trẻ con đứa nào cũng ngóng Tết. Tết có quần áo mới, có bánh kẹo ngon. Tết được đi chơi công viên, đi thăm họ hàng, được nhận tiền mừng tuổi… Vì nhiều cái 'được' như thế nên bé dễ đặt bố mẹ vào những tình huống dở khóc dở cười. Để Tết này cả nhà khỏi lâm vào cảnh khốn đốn vì những trò sách nhiễu của bé, bố mẹ hãy tham khảo những tình huống dưới đây.

Khi ăn ở nhà họ hàng

Bé có thể dở chứng biếng ăn, quậy phá làm vương vãi thức ăn khắp nơi. Nếu nhà họ hàng của bạn cũng có một đứa trẻ nữa thì trường hợp giành giật đồ ăn lại không phải là hiếm. Bởi vậy trước đó mẹ phải dạy bé những quy tắc cần thiết trong ăn uống như mời người lớn, ăn từ tốn và nhường nhịn em nhỏ… Đồng thời gợi chuyện cho bé tham gia cùng mọi người trong bữa tiệc. Việc này tránh cho bé cảm thấy nhàm chán dẫn đến phá phách để gây sự chú ý. Ngoài ra mẹ cũng có thể cho các bé ăn trước rồi ra ngoài chơi.

Bên cạnh đó, nếu chuyện đã lỡ xảy ra mẹ có thể đánh lạc hướng của bé bằng lời nói hay hoạt động khác. Khi về nhà mẹ có thể để bé tự kiểm điểm lại bản thân và uốn nắn lại hành vi của mình. Mẹ không nên la mắng, giận dữ hay đánh đập con cái làm mất hòa khí gia đình đầu xuân năm mới.

Khi nhận tiền lì xì

Không ít bố mẹ phải muối mặt với khách khi con giật bao lì xì bóc ngay tại trận và chê ỏng chê eo.

Xử lý các tình huống mè nheo của trẻ trong dịp nghỉ lễ

Trong bữa ăn gia đình, trẻ cũng có thể gây ra những rắc rối khiến mọi người mất vui

Lẽ ra trước đó mẹ nên giảng giải cho bé hiểu ý nghĩa của việc lì xì là nằm ở cái tình, là lời chúc mừng năm mới bé ngoan, khỏe, học hành giỏi giang… chứ không nằm ở mệnh giá tờ tiền xanh hay đỏ. Việc này cũng nhằm tránh tâm lý so bì hơn kém khi bé nhận lì xì gây nên tư duy lệch lạc và định hướng phát triển nhân cách sau này.

Thêm vào đó, mẹ cũng nên dạy bé phép lịch sự khi nhận lì xì là không được mở ra ngay. Mẹ có thể tặng bé gái một chiếc ví xinh xắn và mặc cho bé trai một chiếc áo có túi để giữ tiền 3 ngày Tết.

Khi bố mẹ tiếp khách

Không ít bé lợi dụng khi bố mẹ có khách mà vòi vĩnh, yêu sách đủ thứ. Đáp ứng con thì con hư mà từ chối con thì con quấy. Vậy nên mẹ cũng cần chú ý nói chuyện trước với bé về văn hóa tiếp khách trong gia đình. Hãy cho bé biết khi nào thì nên giữ trật tự và khi nào thì có thể nô đùa, vui chơi.

Xử lý các tình huống mè nheo của trẻ trong dịp nghỉ lễ

Hãy dạy trẻ cách ứng xử để mang lại tiếng cười và niềm vui trong ngày Tết

Khi đi chúc Tết họ hàng

Bé có thể lâm vào tình trạng im thin thít không nói một câu gì và liên tục níu tay bố mẹ đòi về do cảm thấy xa lạ và buồn chán. Mẹ có thể để bé quen thân hơn với mọi người bằng cách giới thiệu bé với từng người một và giải thích quan hệ của mọi người với bố mẹ cho bé hiểu. Tuy nhiên mẹ tránh tạo hiệu ứng tâm lý ngược khi ép bé chào hỏi, ôm hôn người lớn khiến bé sợ hãi và càng thu mình hơn.

Khi cất giữ tiền mừng tuổi

Khi Tết qua đi cũng là lúc bé để dành được kha khá tiền lì xì. Mẹ hãy cùng bé thảo luận phương án sử dụng số tiền này một cách đúng đắn nhất. Mẹ có thể giúp bé cất giữ một phần tiền, số còn lại mẹ để bé tự quyết định mua sắm sách vở, đồ chơi hay đồ dùng học tập để bé học những bài học đầu tiên về quản lý tiền bạc. Ngoài ra mẹ có thể dạy bé lòng trắc ẩn bằng cách để bé mang một phần tiền giúp đỡ người gặp khó khăn hay những người bạn không may mắn của bé. 

Chỉ cần mẹ nắm rõ những 'bí kíp' này thì sẽ không cần phải bận tâm đến việc cư xử của bé Tết này nữa rồi. Chúc các gia đình một cái Tết đầm ấm, chan hòa tiếng cười rộn rã của trẻ thơ!

Thanh Lê

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!