Sau kì nghỉ hè, lịch ăn uống và sinh hoạt của bé cần phải thay đổi để sẵn sàng chào đón năm học mới. Đây là những điều bạn cần làm để chuẩn bị cho bé tốt nhất.
Kệ di động chứa đồ chơi
Hãy sắm một kệ đồ hoặc tủ đồ di động vừa đủ tầm với của con bạn để bé chủ động cất giữ mọi đồ chơi, đồ dùng xinh xắn cần thiết sau khi chơi xong. Điều này giúp bé cảm nhận thấy mình đã 'trưởng thành' hơn, vừa giúp rèn luyện tính tự giác cho bé. Khi bé vào giờ học, kệ đồ có thể di chuyển ra xa hơn, hoặc ra khỏi phòng học của bé, để bé có thể tập trung vào bài tập.
Lập thời gian biểu mới
Bố mẹ và bé cùng bắt tay vào lập thời gian biểu. Bạn hãy cho bé tham gia cùng để có được lịch học, chơi và sinh hoạt phù hợp nhất. Với trẻ mới vào lớp 1, có thể để nghỉ ngơi 5-10 phút sau khi học khoảng 20 phút. Thời gian chơi cũng nên ghi cụ thể các hoạt động như: Ăn nhẹ, vẽ, nhảy, chơi với anh… Điều này giúp bé chủ động và khoa học hơn trong sinh hoạt của bản thân từ nhỏ.
Bổ sung kệ đựng sách
Khi trẻ vào học, bé cần thêm nhiều không gian để đựng giấy, vở, sách, nháp… Nếu bạn không tạo một không gian nhất định cho bé đựng đồ, để bé đặt đồ chỗ nào tùy thích sẽ tạo thói quen bừa bãi trong khi làm việc sau này cho bé. Hãy tạo kệ đồ nhiều ngăn để bé tự xếp đồ và phân loại chúng. Hãy nhớ cần có cả thùng đựng rác để bé tự dọn kệ, loại bỏ nháp và rác sau khi sử dụng.
Khám phá giờ sinh học của bé
Trong một gia đình có 3 bé có thể có 3 phong cách học tập và sinh hoạt rất khác nhau: 1 bé thích dậy sớm và học tốt nhất vào buổi sáng, 1 bé cảm thấy hiệu quả nhất là học vào buổi chiều, ngay sau khi tan học, và 1 bé thấy thoải mái nhất khi học vào buổi tối, sau bữa ăn. Vì thế, hãy quan sát và lắng nghe trẻ để biết con bạn học vào giờ nào hiệu quả nhất. Hãy để trẻ tự lựa chọn khoảng thời gian tự học và làm bài tập về nhà, bạn chỉ nên giúp bé duy trì thói quen tốt, đừng can thiệp cứng nhắc vào giờ giấc sinh hoạt của bé.
Thêm hoạt động mới
Điều đó làm tăng sự hứng thú cho trẻ trong suốt học kỳ mới. Ví dụ mua cho trẻ 1 dụng cụ thể thao dễ thương hoặc hộp màu chì đẹp mà trẻ thích và để bé có thời gian chơi với những thứ đó sau khi hoàn thành tốt bài tập. Những hoạt động ngoài lề giúp trẻ thư giãn rất tốt để sau đó quay trở lại học hào hứng và hiệu quả hơn.
Đặt mục tiêu
Hãy dành thời gian cùng trẻ tìm ra khả năng, giới hạn của bé và cùng bé đặt mục tiêu nho nhỏ cho mỗi môn học. Ví dụ tăng số điểm môn toán từ 7 lên 8 trong học kỳ tới, hoặc cải thiện tốc độ đọc môn tiếng Việt từ 1 trang/15 phút lên 1 trang/ 12 phút. Bạn có thể thưởng những món quà nho nhỏ để làm bé trân trọng những nỗ lực của bé như đi ăn cùng cả nhà cuối tuần hoặc nhận được quà. Nhưng nên nhớ giá trị thưởng càng lớn, tầm quan trọng thực sự của học tập càng giảm, bé sẽ chỉ quan tâm tới phần thưởng bằng mọi giá.
Chuẩn bị đồ dùng học tập mới
Vì chiều cao của bé có thể thay đổi, hãy kiểm tra kích cỡ bàn ghế có phù hợp với bé. Hãy giúp bé ngồi học thoải mái và đủ ánh sáng. Dụng cụ học tập đầy đủ và có chỗ đựng, để ngăn nắp. Vì bé có thể đánh mất đồ học tập thường xuyên, hãy nhớ sắm đồ dự trữ cho bé và cất riêng một nơi phòng khi bé cần lúc bất ngờ.
Giấy dán nhắc nhở
Hãy sắm một tập giấy nhắc nhở xinh xắn cho bé để bạn có thể giao tiếp với bé 1 cách sáng tạo. Bên cạnh đó, giấy nhắc nhở giúp bé ghi bài tập về nhà, lời nhắc của thầy cô, hoặc những điều cần thiết phải làm và đính vào trong vở, sách hoặc dán trên bàn học.
Đồng hồ thông minh
Bạn hãy để bé tự giác hẹn giờ dậy mỗi sáng từ khi còn nhỏ. Vào đầu năm học, cần sắm cho bé một chiếc đồng hồ báo thức dễ thương, loại có chuông báo thức phù hợp và giúp bé hứng thú thức dậy vào mỗi sáng.
Hộp cơm và chai nước tiện dụng
Nếu bạn muốn bé có đầy đủ dinh dưỡng trong ngày học, hãy chuẩn bị hộp cơm nhỏ xinh và chai nước bé có thể mang theo trong cặp. Nếu bé đã ăn trưa tại trường, bạn có thể chuẩn bị đồ ăn vặt giàu dinh dưỡng để bé mang theo và chia sẻ với bạn bè. Nên khuyến khích bé uống nước đều đặn bằng cách nhắc bé mang nước theo hàng ngày.
Ảnh minh họa: Internet
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!