THẮC MẮC

27 tuổi, bị rụng tóc đến nay 7 năm, xịt minoxidil và trị rụng tóc mà không hiệu quả phải làm sao?

Chào Bác sĩ. Em là nữ, năm nay 27 tuổi. Em thuộc loại nhiều mồ hôi dầu, da đầu nhờn. Em bị rụng tóc đến nay khoảng 7 năm. Tóc rụng lan tỏa đầu, nhưng nhiều nhất là đỉnh đầu và vùng giữa đầu. Nhìn lộ hói da đầu, da nhiều dầu nên nó bóng lên nhìn lộ hết da đầu. Em đã uống nhiều loại thuốc bổ cho tóc, cho đến xịt minoxidil và gần đây đi Đông Á trị rụng tóc công nghệ prp máu tự thân 1 lần không có hiệu quả gì. Tóc rụng không mọc lại. Em đi khám không có mắc bệnh tuyến giáp và đa nang buồng trứng. Gia đình em không có ai bị hói, chỉ có mẹ năm nay hơn 50 tuổi mới bị rụng tóc nhiều. Trường hợp của em giờ phải làm sao ạ? Mong Bác sĩ tư vấn sớm giúp em ạ!

Tư vấn

Chào bạn!
Không rõ ngoài việc bị rụng tóc lan tỏa bạn có bị kèm theo các triệu chứng khác như: da đầu ngứa, có vảy ở da đầu không? Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời.Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số nguyên nhân gây rụng tóc dưới đây:
- Viêm da tiết bã gây rụng tóc, gàu nhiều, tạo thành mảng trắng xám, dễ tróc trên vùng da đầu, da đầu đỏ, ngứa.
- Chế độ dinh dưỡng: ăn thiếu đạm, vitamin, các yếu tố vi lượng như kẽm, đồng...
- Tinh thần không thoải mái, căng thẳng, thức quá khuya, ít vận động…
- Yếu tố môi trường: đội nón, mũ chật thường xuyên; dầu gội không phù hợp…
- Rối loạn nội tiết tố adrogene. Biểu hiện rụng tóc bắt đầu bước vào tuổi dậy thì. Tóc mỏng dần và bắt đầu rụng từ vùng đỉnh.
- Do di truyền hoặc một số bệnh lý như buồng trứng đa nang.
- Á sừng gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc vùng tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt: gây kích thích hay dị ứng da đầu. Tóc rụng, có nhiều vảy trắng nhỏ dính trên da đầu và ngứa.
- Một số bệnh lý như sốt cao, lupus ban đỏ, sau gây mê. Lupus ban đỏ thường gặp ở nữ, đa số khởi phát ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Rụng tóc là một trong những dấu hiệu khá phổ biến của bệnh này. Biểu hiện gây rụng tóc lan tỏa, trong thời gian lâu dài, trên nền da đầu đỏ, vảy mịn, ít, dính, có sẹo teo.
Những cách điều trị rụng tóc:
- Điều trị nguyên nhân gây rụng tóc (nếu có thể): nhiễm trùng, viêm da tiết bã hoặc lupus đỏ. Tuy nhiên, nguyên nhân rối loạn nội tiết rất khó điều chỉnh bởi vì thuốc kháng nội tiết tố chưa được chấp thuận dùng ở nữ giới.
- Điều trị hỗ trợ: cung cấp đầy đủ chất cho tóc trong chế độ ăn uống hoặc trong thuốc uống bổ sung đặc biệt là sau hồi phục từ các đợt sốt, chấn thương, gây mê phẫu thuật; tránh đội nón chật trong thời gian lâu; mát-xa da đầu hàng ngày nhẹ nhàng; dùng dầu gội tiêu vảy sừng và các thuốc uống giảm chất nhờn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Nên ăn đủ đạm, vitamin như: vitamin H (hay còn gọi là biotin H, vitamin B8); vitamin nhóm B, A (cần cho quá trình sừng hóa lớp thượng bì, hình thành chất keratin ) và các chất khoáng, kẽm có khả năng kích thích sự phát triển của tóc; Ăn nhiều rau xanh, tươi, hoa quả tươi.
- Dùng thuốc chống rụng tóc: các thuốc chống rụng tóc bổ sung các hoạt chất cần cho sự phát triển tóc ngay ở phần nuôi dưỡng da nằm dưới chân tóc. Phần lớn các thuốc chứa vitamin, chất khoáng và a-xít amin có hiệu quả cho các trường hợp bị rụng tóc nhẹ.
Chúc bạn sức khỏe!